• Zalo

Hé lộ lý do Hải quân Mỹ mạnh tay chi tiền mua tiêm kích F-35

Quân sựThứ Năm, 01/07/2021 16:12:04 +07:00Google News

Hải quân Mỹ quyết định đầu tư nhiều hơn cho chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 để thực hiện các chiến lược trên biển của lực lượng này.

Trong khi Không quân Mỹ có kế hoạch mua 1.763 tiêm kích thế hệ thứ năm F-35A của Lockheed Martin thì Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ quyết định đầu tư mạnh vào 2 biến thể của dòng chiến đấu cơ F-35 Lightning II là F-35B và F-35C.

F-35C là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 được triển khai từ tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ. Chiến đấu cơ này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2019 và là phiên bản mới nhất trong số 3 biến thể của dòng F-35. Được biết tới với khả năng gập cánh lớn hơn, lực nâng mạnh hơn và khoang chứa nhiên liệu rộng hơn F-35A, F-35C được thiết kế để phóng và thu hồi máy bay từ boong tàu sân bay (CATOBAR) trong các nhóm tác chiến tàu sân bay. Đầu cánh gập có thể tiết kiệm không gian cho boong tàu sân bay bởi F-35C có phần cánh lớn hơn đáng kể so với F-35A và F-35B.

Hé lộ lý do Hải quân Mỹ mạnh tay chi tiền mua tiêm kích F-35 - 1

(Ảnh minh họa: Reuters)

Tải trọng tối đa của F-35C là 8 tấn, lớn hơn so với tải trọng tối đa của F-35B của Thủy quân lục chiến là gần 7 tấn. Các tiêm kích tàng kình F-35C cũng hỗ trợ phạm vi chiến đấu trong 670 hải lý, trong khi bán kính hỗ trợ của F-35B là 505 hải lý. F-35C cũng sẽ đem tới bước nhảy vọt về khả năng so với các chiến đấu cơ được triển khai từ tàu sân bay của Hải quân Mỹ hiện nay như F/A-18E/F Super Hornet của Boeing.

Super Hornets có bán kính chiến đấu nếu không tiếp nhiên liệu là dưới 400 hải lý, vì thế các tàu sân bay khi triển khai các chiến đấu cơ đã lỗi thời này sẽ tự đặt mình vào nguy hiểm nếu nằm trong phạm vi của các tên lửa chống hạm được phát triển gần đây của Nga và Trung Quốc.

Bán kính chiến đấu lớn hơn của các tiêm kích F-35 khiến chúng dễ dàng hoạt động trong phạm vi an toàn và tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường. Máy bay không người lái tiếp nhiên liệu trên không MQ-25 Stingray sắp tới có thể mở rộng phạm vi của F-35C và Super Hornet thêm tới 400 hải lý nữa.

Những lợi thế của F-35C không chỉ dừng lại ở đây mà với những khả năng sẵn có, nó có thể dễ dàng tấn công nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích và thực hiện các nhiệm vụ xâm nhập sâu, vốn từng được cho là thiếu thực tế hoặc quá mạo hiểm đối với các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư. Khả năng tổng hợp cảm biến của F-35C cũng khiến nó có thể xây dựng thông tin chiến đấu chính xác và chi tiết để chia sẻ với tất cả các phương tiện khác được kết nối trên không, trên đất liền và trên biển.

Tương tự như 2 biến thể còn lại của F-35, F-35C cung cấp khả năng tải trọng linh hoạt. Cấu hình vũ khí bên trong của nó cũng đảm bảo khả năng tàng hình trước các hệ thống phòng không tinh vi nhất của kẻ thù trong khi thiết kế giảm tải vũ khí bên ngoài đã hy sinh phần nào khả năng quan sát để bù đắp cho hỏa lực của máy bay đạt mức độ cao nhất.

Hải quân Mỹ có kế hoạch thay thế hơn 500 chiến đấu cơ Super Hornet đã lỗi thời bằng 273 tiêm kích F-35C.

Kiều Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn