Sự kiện tàu chiến Nga bắn cảnh cáo tàu chiến Anh tại biển Đen diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Anh nói riêng cũng như các nước phương Tây nói chung với Nga đang có những biến động dồn dập.
Quan hệ phức tạp giữa Nga và phương Tây
Cùng ngày diễn ra sự cố trên biển Đen, ngày 23/6, tại Brussels, trong cuộc họp trù bị của Đại sứ các nước EU, chuẩn bị cho Thượng đỉnh Liên minh châu Âu – EU, hai nước Đức - Pháp bất ngờ đưa ra đề xuất “cài đặt lại” quan hệ với Nga, tổ chức Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mặc dù hai sự kiện này có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng điều này cũng cho thấy, quan hệ phức tạp giữa Nga và phương Tây đang ở điểm có thể tạo nên bước ngoặt lớn, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Chắc chắn vụ việc căng thẳng quân sự - ngoại giao giữa Nga và Anh tại Biển Đen đã có những tác động đáng kể đến các thảo luận của các lãnh đạo EU trong 2 ngày họp Thượng đỉnh tại Brussels (24 - 25/6).
Tuy nhiên, tác động này không mang tính chất quyết định, bởi lẽ trong Thượng đỉnh EU, đề xuất “cài đặt lại” quan hệ với Nga mà hai cường quốc Đức - Pháp đưa ra bị gạt bỏ do lực cản chính trong nội bộ EU. Cụ thể, 3 nước Baltic (Litva, Latvia, Estonia), cùng Ba Lan, CH Séc và một số nước Bắc Âu như Thụy Điển phản đối rất mạnh đề xuất của Pháp - Đức vì cho rằng hiện tại không có bất cứ động thái hay dấu hiệu chiến lược nào cho thấy phía Nga đã sẵn sàng xuống thang trong các cuộc đối đầu với châu Âu. Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte, thậm chí từ chối tham dự các thảo luận về đề xuất này.
Vì thế, ý tưởng của Đức - Pháp về một hình thức đối thoại kiên quyết, có đòi hỏi với Nga, trên cơ sở không khoan nhượng hay hy sinh các giá trị của châu Âu không thuyết phục được tất cả các nước EU. Đây thực ra là kết quả đã được dự đoán trước vì quan điểm về Nga trong nội bộ EU luôn bị chia rẽ rất nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Do vấn đề quá khứ cũng như vị trí địa lý, các thành viên EU ở Đông Âu và Baltic luôn coi Nga là mối đe dọa an ninh lớn nhất, trong khi các cường quốc Đức - Pháp thì có tư duy chiến lược lâu dài, rằng châu Âu không thể xây dựng và duy trì được một cấu trúc an ninh ổn định nếu không có sự tham gia của Nga.
Vụ việc căng thẳng giữa tàu chiến Nga và Anh tại Biển Đen đã giúp cho các phe chống Nga trong EU có thêm chứng cứ để bảo vệ cho luận điểm của nhóm này, rằng Nga sẽ luôn coi sức mạnh quân sự và việc đe dọa sử dụng sức mạnh này làm nền tảng cho chính sách đối ngoại của Nga và châu Âu phải đáp trả một cách cứng rắn bằng các biện pháp trừng phạt cũng như sức ép quân sự.
Thông điệp của Nga
Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/6 đã bắt đầu tập trận chung của lực lượng Hải quân và lực lượng Không quân ở khu vực phía đông Địa Trung Hải với sự tham gia của máy bay, phương tiện và thiết bị mới, trong đó nhiều loại sẽ được thử nghiệm trong điều kiện khí hậu khó khăn.
Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga phương Tây đang căng thẳng bất chấp kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa tháng 6 vừa qua. Cách đây một vài ngày, EU từ chối tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – EU và tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong khi đó, quan hệ Nga và Anh bùng phát căng thẳng sau vụ tàu khu trục tên lửa Defender của Anh di chuyển gần bán đảo Crimea, buộc phía Nga bắn cảnh cáo.
Song song với đó là một loạt các hoạt động quân sự khác của cả hai bên. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận gần quần đảo Hawaii của Mỹ, trong đó có hoạt động mô phỏng săn ngầm và chống nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương.
NATO đang tiến hành cuộc tập trận Sea Breeze 2021 ở Biển Đen, với sự tham gia của hơn 30 tàu, 40 máy bay và 5.000 quân nhân từ 17 quốc gia thành viên NATO cũng như các đối tác của liên minh. Phía Anh cũng điều tàu sân bay Queen Elizabeth mang theo tiêm kích tàng hình F-35B tiến vào Địa Trung Hải. Trong số 1.600 thủy thủ đoàn, có khoảng 200 lính thủy quân lục chiến Mỹ và 10/18 tiêm kích F-35B được triển khai trên tàu do Mỹ vận hành.
Các hành động này cho thấy các bên không ngừng thăm dò khả năng chống trả của nhau. Về phía Nga, Tổng thống Putin đã từng đề cập đến lằn ranh đỏ trong quan hệ với các nước phương Tây. Rõ ràng, phản ứng của Nga cho thấy đây là lằn ranh Nga không cho phép các nước phương Tây vượt qua. Phản ứng của Nga có thể sẽ cứng rắn hơn như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh sau vụ tàu Defender rằng, nếu phương Tây cố tình không hiểu thì Nga sẽ không chỉ ném bom trên đường đi của tàu mà sẽ là tấn công thẳng vào mục tiêu.
Rõ ràng, các hành động khiêu khích quân sự vượt quá "lằn ranh đỏ" có thể kích hoạt leo thang ngoại giao, các biện pháp trừng phạt mới hoặc các biện pháp nghiêm trọng hơn. Lằn ranh đỏ trong quan hệ Nga – phương Tây giờ đây sẽ được kiểm tra sức mạnh một cách thường xuyên.
Anh đi xa đến đâu trong cuộc đối đầu với Nga?
Sau khi xảy ra sự cố quân sự - ngoại giao ở Biển Đen, nhiều nguồn tin cao cấp của Bộ Quốc phòng Anh đã xuất hiện trên báo chí và thừa nhận rằng, họ bị bất ngờ trước tốc độ phản ứng của phía Nga, tức là phía Anh cũng đã lường trước rằng việc cho tàu chiến đi qua vùng lãnh hải của Crimea chắc chắn sẽ bị phía Nga phản ứng, nhưng Anh không nghĩ rằng Nga lại phản ứng nhanh và quyết liệt đến mức độ đó. Điều này cho thấy là phía Anh cũng không chuẩn bị cho các tình huống đối đầu nguy hiểm hơn với Nga.
Thực tế, những gì diễn ra hiện nay là một phần trong chiến lược mới của Vương quốc Anh sau khi lựa chọn Brexit, rời khỏi Liên minh châu Âu, đó là thực thi chiến lược “Nước Anh toàn cầu – Britain Global”, phô trương sức mạnh quân sự để thể hiện rằng Anh vẫn là một cường quốc có tầm ảnh hưởng trên thế giới, và thông qua sức mạnh quân sự đó để mở rộng mạng lưới giao thương, thiết lập các quan hệ kinh tế-thương mại, bù đắp cho các mất mát sau khi rời EU.
Điều này thể hiện qua hàng loạt các thay đổi chiến lược, như việc Anh tăng ngân sách quốc phòng cao nhất từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đóng một lúc hai tàu sân bay, lên kế hoạch gia tăng số đầu đạn hạt nhân, triển khai tàu sân bay và tàu chiến sang Ấn Độ - Thái Bình Dương và tại Biển Đen thì cho tàu chiến đi lại qua vùng biển gần Crimea vốn đang là điểm nóng về địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Nói cách khác, đây là thời điểm mà nước Anh đang chấp nhận mạo hiểm để gia tăng hình ảnh của mình, với tham vọng rất cụ thể mà Thủ tướng Boris Johnson đã đặt ra, là khôi phục lại Hải quân Anh thành Hải quân mạnh nhất châu Âu.
Ngoài ra, trong số các nước NATO tại châu Âu thì Anh luôn là một trong các nước có quan điểm cứng rắn nhất với Nga. Quan hệ hai bên xuống dốc nghiêm trọng trong các năm qua sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal bị cho là bị phía Nga đầu độc trên đất Anh. Phía Anh cũng muốn đáp trả phía Nga về các hoạt động của máy bay quân sự và tàu ngầm Nga trên vùng biển Đại Tây Dương, tiếp giáp với Anh. Đó là các lí do dẫn đến việc Anh điều tàu chiến đến Biển Đen và đối mặt nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, Anh sẽ không thể đi quá xa hơn các tính toán này vì điều đó là quá nguy hiểm. Nga là siêu cường quân sự và luôn thể hiện là không e ngại sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình, dù đối thủ là ai. Nước Anh không thể đủ sức gánh vác trách nhiệm tạo ra một cuộc chiến với Nga vì khi đó xung đột có thể bùng phát giữa Nga và NATO, đẩy tất cả thế giới vào mối đe dọa tồn vong. Có thể nói, chính sách ngoại giao - quân sự của Anh hiện nay là tương đối phiêu lưu.
Bình luận