Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science Advances mới đây, nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết họ đã giải trình tự bộ gen của các bộ xương động vật được khai quật ở miền bắc Syria.
Một trong những điểm khiến họ bất ngờ là bộ gen của một bộ xương động vật giống lừa có niên đại khoảng 4.500 năm tuổi, tuy nhiên bộ xương này lại có các đặc điểm sinh học khác biệt so với các chỉ số của lừa nhà cũng như lừa hoang Syria từng sinh sống trong khu vực này.
Dựa trên các phát hiện trên, họ kết luận sinh vật này là Kunga - con lai F1 giữa lừa cái nhà và lừa đực Syria. Đây cũng là sinh vật đầu tiên được lai tạo trong lịch sử loài người. Phải khoảng 500 năm sau, người ta mới ghi nhận trường hợp lai tạo ngựa đầu tiên với mục đích tương tự.
Theo nhóm nghiên cứu, những con kunga được định giá cao, thường được dùng để kéo phương tiện chuyên chở giới quý tộc. Việc lai tạo Kunga hết sức khó khăn bởi lừa hoang Syria là một loài rất khỏe, chạy nhanh và không thể thuần hóa. Ngoài ra, do kunga vô sinh nên mỗi lần tạo ra một con kunga lại là một lần giao phối mới.
"Ngoại hình và tốc độ của nó khiến chúng được ưa thích hơn là những con lừa nhà để kéo những chiếc xe ngựa 4 bánh", nhóm nghiên cứu khẳng định.
Với những con Kunga có kích thước nhỏ hơn, chúng được sử dụng trong nông nghiệp để kéo cày.
"Chúng được lai tạo tại Nagar - một thành phố cổ ở Syria ngày nay, được những người cai trị Nagar sử dụng như một món quà dành cho giới quý tộc hoặc lãnh đạo các thành phố lân bang", các nhà nghiên cứu cho hay.
Bình luận