Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây đăng tải một đoạn video cho thấy các binh sỹ Trung Quốc đang tập luyện đối phó với UAV/drone góc nhìn thứ nhất (FPV). Đoạn phim cho thấy quân đội Trung Quốc coi trọng của việc đối phó các loại vũ khí này như thế nào.
Khả năng của drone FPV được trang bị vũ khí đã nhanh chóng hình thành trong cuộc chiến ở Ukraine và mối nguy hiểm do chúng gây ra hàng ngày dọc theo tiền tuyến. Cả Nga và Ukraine đều tận dụng drone FPV cảm tử tấn công đối phương. Drone FPV cho phép người điều khiển quan sát như thể họ đang ở trong buồng lái máy bay. Loại drone này sử dụng camera gắn trên thân để truyền hình ảnh và video trực tiếp đến kính thực tế ảo (VR) hoặc màn hình được đeo trên đầu (HUD) của người điều khiển.
Nhờ vậy, người điều khiển có thể nhìn thấy thế giới xung quanh drone một cách chính xác và chi tiết. Với drone FPV quân sự, người điều khiển có thể dễ dàng quan sát, theo dõi, tấn công binh sỹ, khí tài của đối phương.
Không chỉ trên chiến trường Ukraine, drone đang xuất hiện ở các điểm nóng khác trên toàn cầu khi công nghệ và kỹ thuật sử dụng chúng ngày càng phổ biến. Do đó, các lực lượng vũ trang trên toàn cầu đang cố gắng thích nghi thông qua huấn luyện đối phó và mặt khác là sử dụng drone FPV làm vũ khí.
Chưa rõ đoạn video, do kênh CCTV phát, được quay ở địa điểm, thời điểm nào.
Sự nguy hiểm của drone FPV
Phần lớn drone FPV - loại vũ khí được sử dụng chủ yếu cho các cuộc tấn công chính xác - được trang bị hệ thống điều khiển Human-in-the-loop. Man-in-the loop là hệ thống mà con người và máy móc cùng nhau làm việc để điều khiển một quy trình. Trong loại hệ thống này, con người can thiệp trực tiếp để điều chỉnh hành vi của máy móc (thường được hỗ trợ bởi AI) hoặc sửa đổi đầu ra của nó trong thời gian thực.
Trong hệ thống này, cần có một liên kết dữ liệu tầm nhìn liên tục giữa drone và người điều khiển thủ công. Việc này có thể bị cản trở bởi một loạt các yếu tố như khoảng cách giữa drone và người điều khiển hay địa hình. Tuy nhiên, ưu điểm của điều khiển vòng lặp Human-in-the-loop là drone FPV có khả năng cơ động cao và người điều khiển có thể chuyển đổi mục tiêu một cách nhanh chóng.
Trên CCTV7, đoạn phim bắt đầu với cảnh một người điều khiển đeo kính bảo hộ kiểu VR dùng tay phóng đi một drone. Tổng cộng có 5 drone FPV được nhìn thấy trên không khi cuộc tập trận bắt đầu.
Sau đó, binh sỹ nhanh chóng vào vị trí phòng thủ, ẩn nấp sau một “răng rồng” (chướng ngại vật chống xe tăng làm bằng bê tông) khi các drone bay trên đầu.
Trong khoảng 14 giây của đoạn phim, khán giả có thể thấy một binh sỹ nhanh chóng tìm nơi trú ẩn để tránh một quả nổ (giả) “đóng thế” một drone cảm tử, hoặc có thể là một quả bom nhỏ được thả xuống từ nó.
Bên cạnh việc huấn luyện cách ứng phó với các cuộc tấn công của drone, các binh sĩ còn được học hỏi các phương pháp để vô hiệu hóa drone. Trong đoạn phim, một binh sỹ Trung Quốc đã phóng một quả đạn lưới vây chụp khiến drone rơi xuống đất. Một binh sỹ khác sử dụng súng gây nhiễu chống drone.
Tất nhiên, mối đe dọa do drone gây ra không phải là mới, như nhiều chuyên gia quân sự đã nhiều lần đề cập. Công nghệ drone đã nhanh chóng phát triển về độ tinh vi và khả năng tiếp cận trong những năm gần đây, đến mức ngay cả những drone tương đối rẻ tiền, cả loại tầm xa và tầm ngắn, cũng có thể được sử dụng làm vũ khí trên chiến trường.
Trong khi nỗ lực phát triển công nghệ drone ở nhiều cấp độ và năng lực, bao gồm cả khả năng bay theo đàn, gần đây Trung Quốc bắt đầu hướng dẫn binh lính và cảnh sát cách tự vận hành drone FPV, theo TWZ.
Trong một video khác, các binh sĩ PLA được huấn luyện sử dụng drone để tấn công các mục tiêu, bao gồm xe bọc thép và các vị trí phòng thủ mô phỏng của đối phương.
Bài học từ xung đột Ukraine
Theo hai chuyên gia Oliver Parken và Tyler Rogoway của The War Zone, tất cả các bài tập kể trên của quân đội Trung Quốc đều rút ra từ thực tế cuộc chiến ở Ukraine. Tác động của drone FPV trong chiến tranh là rõ ràng. Chúng đã trở thành vũ khí đặc trưng của cả Nga và Ukraine, được sử dụng rất hiệu quả trong việc săn lùng xe tăng, các phương tiện khác và binh lính trên chiến trường hay trong các tòa nhà. Việc sử dụng drone hiện có thể sánh ngang với pháo binh về tính hiệu quả trên chiến trường và các bên buộc phải tung ra mọi biện pháp đối phó.
Drone là loại vũ khí dẫn đường có thể tự chế, tự tùy biến, tương đối rẻ để sản xuất và cả Ukraine lẫn Nga được cho là đang ráo riết sản xuất để tung ra chiến trường. Chính quyền Ukraine từng nói rằng họ muốn mua khoảng một triệu chiếc trong năm 2024. Nga cũng nhanh chóng tăng cường dự trữ và theo một số nguồn tin, họ có số drone ngang ngửa với mức mà Kiev có.
Tiện ích chiến thuật của drone FPV trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine cho thấy rằng chúng sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và có mặt khắp nơi, trong và ngoài các chiến trường truyền thống.
Tất cả những điều này đang thúc đẩy các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới tìm kiếm các giải pháp chống drone và phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình mới để phòng thủ trước các loại máy bay không người lái. Lục quân Mỹ hồi tháng 10/2023 đã thành lập một trường huấn luyện phòng thủ drone, theo Defense Post. Thủy quân lục chiến Mỹ thậm chí còn muốn huấn luyện để hầu hết binh sỹ trong lực lượng của họ có năng lực chống drone.
Nhưng không chỉ phòng thủ, Mỹ cũng đang ứng dụng drone vào tác chiến, mặc dù chậm hơn so với nhiều nước khác. Các loại drone FPV được chế tạo có mục đích quân sự đang được thử nghiệm, các lực lượng đặc biệt của Mỹ đang ra nước ngoài để học cách sử dụng các loại drone tùy biến (ban đầu được chế tạo không cho mục đích quân sự), giống như những loại đang được sử dụng ở Ukraine.
Việc quân đội Trung Quốc và các nước khác đang huấn luyện phòng thủ và vận hành drone FPV là bằng chứng mới nhất cho thấy drone rẻ tiền đang định hình chiến tranh hiện đại nhanh như thế nào.
Bình luận