Cuối năm 2016, Trịnh Xuân Thanh trở thành “cái tên nóng” và được dư luận nhắc đến nhiều. Đầu tiên là câu chuyện ông Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus. Sau đó, sự việc được đẩy đi xa hơn khi báo chí “nhắc lại” những “thành tích” của ông Trịnh Xuân Thanh khi còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC- mã chứng khoán PVX).
PVC ghi tên mình trong danh sách cấc đại gia lỗ khủng nhất. Trong đó, chỉ tính riêng dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, PVC đã lỗ tới 3.425 tỷ đồng. Nghĩa là ông Thanh phải chịu một phần trách nhiệm trong những khoản thua lỗ này. Và theo giải trình của công ty, khó khăn trong kinh doanh bất động sản là nguyên nhân chính khiến PVC lỗ thảm.
Sau khi ông Thanh rời PVC, PVC đã có lãi trở lại. Tuy nhiên, sau khi những vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh được đưa ra ánh sáng, công ty mẹ PVC tiếp tục rơi vào thảm cảnh thua lỗ, còn công ty con PVCLand bị phong tỏa tài sản.
“Mẹ” lỗ thảm
Lỗ thảm hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2012 và 2013, sang năm 2014 và 2016, PVC đã có lãi trở lại dù lợi nhuận khá khiêm tốn chỉ đạt 10,3 tỷ đồng và 22,6 tỷ đồng. Sang năm 2016, những tưởng tình hình đã lạc quan trở lại với PVC khi công ty này lãi tới 116,4 tỷ đồng trong quý 3. 2 quý trước đó, PVC lần lượt lãi 10,7 tỷ đồng và 21,7 tỷ đồng.
Thế nhưng sang quý 4/2016, PVC một lần nữa khiến cổ đông sốc khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất bết bát. Theo đó, trong quý 4, PVC lỗ 107,8 tỷ đồng, lũy kế cả năm PVC đạt lợi nhuận dương 157,2 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận sau thuế 2016 của PVC tăng 134,5 tỷ đồng, tương đương 6 lần so với năm 2015 nhưng đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng của PVC.
Không chỉ có vậy, PVC còn đối mặt với “di sản” mà dàn lãnh đạo thời ông Trịnh Xuân Thanh để lại là nợ khủng. Tại thời điểm cuối năm 2016, PVC sở hữu tổng nợ 2.557,7 tỷ đồng, trong đó có tới 1.158,4 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn. Nghĩa là đây là những khoản nợ PVC phải trả trong vài tháng tới.
Nợ vay lớn khiến PVC “còng lưng” trả lãi vay. Chi phí lãi vay trong quý 4/2016 của PVC là 35,7 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 130,5 tỷ đồng. Con số này năm 2015 là 136,7 tỷ đồng. Lãi vay đã “ăn mòn” lợi nhuận của PVC.
Đây là áp lực rất lớn cho PVC vì hiện tại, PVC đang phải gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 3.052 tỷ đồng.
“Con” bị phong tỏa tài sản
Các chuyên gia đánh giá PVC phải gánh chịu những khoản lỗ khủng liên tiếp là do dàn lãnh đạo thời Trịnh Xuân Thanh mạnh tay mở rộng ngành nghề kinh doanh cho PVC, tron đó có bất động sản. Tới bây giờ, PVC vẫn phải giải quyết hậu quả mà Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Các công ty liên doanh, liên kết không mang lại nhiều lợi ích cho PVC. Ngược lại, chúng “góp phần” khiến những khoản lỗ của PVC nặng nề hơn. Trong quý 4, các công ty liên doanh, liên kết khiến PVC lỗ 8,1 tỷ đồng, lũy kế cả năm lỗ 16,1 tỷ đồng.
Mới đây, một công ty con của PVC gây chú ý khi bị phong tỏa tài sản. Đó là công ty cổ phần bất động sản dầu khí Việt Nam (PVC Land).
PVC Land là tiền thân của Ban Quản lý dự án PV Power Land Tower do 3 cổ đông sáng lập là CC14, PVPL, PVPL (C&S) lấy tên là công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam Phương Nam (PVPLS). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niêm 2010, PVPLS đồng ý để PVC nhận chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của PVPL và đổi tên thành PVC Land.
Tại thời điểm cuối năm 2016, PVC đã rót 203,8 tỷ đồng vào PVC Land để nắm giữ 76% vốn công ty này. Như vậy, PVC là cổ đông lớn nhất tại PVC Land. Tuy nhiên, theo PVC, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn là 46,8 tỷ đồng, còn giá trị dự phòng lên tới 157 tỷ đồng.
Video: Interpol sẽ đăng lệnh truy nã toàn cầu với Trịnh Xuân Thanh
Đây là những con số không tốt với PVC và PVC Land còn khiến cổ đông PVC thất vọng hơn khi Vnexpress cho biết ngày 8/2/2017, Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 đã ban hành quyết định phong tỏa tài sản của PVCLand, chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark.
Quyết định nêu rõ tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của Công ty PVCLand, đối với quyền sử dụng diện tích 15.320,86 m2 trong dự án PetroVietnam Landmark. Trong đó gồm có 4.708,5 m2 đất ở, 4.447,08 m2 đất công trình công cộng có kinh doanh và 6.165,28 m2 đất công viên cây xanh, mặt nước, giao thông sân bãi. Riêng diện tích đất đã thế chấp cho ngân hàng Bưu điện Liên Việt - chi nhánh TP HCM sẽ không bị tạm dừng.
Điều đáng nói, chủ đầu tư dự án này vẫn treo bảng thông báo giao nhà.
Bình luận