• Zalo

Hậu đại chiến Liverpool-MU: Hòa bình ư, còn lâu lắm

Thể thaoThứ Hai, 24/09/2012 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Sau trận đấu tại Anfield tối qua, những người vẫn mơ mộng về một cuộc “làm lành vĩ đại” giữa Liverpool và MU có thể sẽ nghĩ lại.

(VTC News) - Sau trận đấu tại Anfield tối qua, những người vẫn mơ mộng về một cuộc “làm lành vĩ đại” giữa 2 đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh có thể sẽ nghĩ lại.

Câu chuyện đáng buồn nhất trong ngày hôm qua không phải là pha va chạm gây tranh cãi giữa Shelvey và Evans, hay quả penalty mà MU nhận được lúc cuối trận, mà chính là từ cách hành xử của một nhóm nhỏ cổ động viên 2 đội sau khi trận đấu kết thúc.

Đó là khi mọi người đã ra về gần hết, 2 cổ động viên Liverpool bất ngờ hướng về khu vực khán đài dành cho đội khách và làm động tác mô tả máy bay rơi, ám chỉ kỷ niệm đau buồn về thảm họa Munich mà Manchester United từng trải qua cách đây hơn nửa thế kỷ.

Thảm kịch Hillsborough vẫn thường là mục tiêu chế giễu của các CĐV MU nhắm vào Liverpool. 

Những vị khách đến từ Manchester cũng không vừa, họ cùng nhau hô vang những câu “slogan cay nghiệt” vốn đã quá quen thuộc từ trước đến nay: “Lúc nào cũng tự nhận là nạn nhân, chẳng bao giờ chịu nhận lỗi của mình” hay tệ hơn là “Sát nhân” nhắm vào những bi kịch Hillsborough hay Heysel liên quan đến The Kop trong quá khứ.

Nếu những điều đó diễn ra trong 1 trận đấu giữa Liverpool và MU trước đây, nó sẽ được coi là bình thường và thậm chí là “thông lệ” bởi ai cũng rõ cổ động viên của 2 đội căm ghét nhau đến mức nào. Nhưng vào tối qua, khi mà tất cả mọi người, từ lãnh đạo, HLV đến cầu thủ 2 đội đã làm tất cả những gì có thể để thể hiện thiện chí hướng tới một “cuộc làm lành vĩ đại”, sự việc xảy ra cuối trận quả đúng là một nỗi xấu hổ.

Cũng từ giây phút ấy, những người trong cuộc nhận ra rằng thật khó (và có thể là không bao giờ) xóa bỏ được sự căm ghét hay thù hận giữa 2 đội bóng, nếu những cạnh tranh trên sân cỏ còn tồn tại.

Những quyết định của trọng tài chính Mark Halsey khiến các CĐV và cầu thủ Liverpool rất giận dữ. 

Sẽ ít có cổ động viên Liverpool nào nhớ đến 96 quả bóng bay được thả trước trận, hay những cử chỉ ý nghĩa giữa 2 huyền thoại Bobby Charlton và Ian Rush, mà họ sẽ chỉ lưu giữ ấn tượng về chiếc thẻ đỏ và quả penalty “oan uổng” mà các học trò Brendan Rodgers phải nhận từ tay trọng tài Mark Halsey.

Ở chiều ngược lại, các Manucian cũng chẳng mảy may nghĩ đến cái bắt tay lịch sử giữa Suarez và Evra, mà dồn hết sự tức giận và căm phẫn lên đầu tiền vệ trẻ Jonjo Shelvey, người trên đường ra khỏi sân đã “cả gan” chỉ tay vào mặt Sir Alex Ferguson vĩ đại, người trước trận còn kỳ công viết một bức "tâm thư" kêu gọi hòa giải để phát tận tay các CĐV hành quân tới Anfield.

Những sự thù địch từ lâu đã trở thành một phần của bóng đá, và với Liverpool và MU, nó còn trở thành một “bản sắc” truyền thống.

Biểu tượng của thành phố Cảng, Steven Gerrard từng xuất hiện trên truyền hình Anh với một bộ sưu tập áo đấu của các đối thủ anh từng gặp trong suốt sự nghiệp, nhưng trong số đó tuyệt nhiên không có áo đấu của MU. Cặp đấu Liverpool-MU cũng là cặp đấu có số thẻ đỏ nhiều thứ nhì ở giải Ngoại hạng Anh, chỉ sau cặp Liverpoo-Everton (14 và 20).

Gerrard chưa bao giờ đổi áo sau trận với các cầu thủ MU. 

Sẽ rất đơn giản để đổ lỗi cho hành vi quá khích nói trên của CĐV là do cay cú ăn thua, hay từ những quyết định gây tranh cãi của trọng tài Mark Halsey.

Nhưng nếu lật ngược lại, giả sử MU và Liverpool có “làm lành” thật, tại sao cuộc đối đầu giữa một đội bóng chưa biết thắng tại mùa giải năm nay (mùa trước còn xếp thứ 8) với đối thủ đang cạnh tranh ngôi đầu bảng (á quân mùa trước) lại thu hút tới gần 1/10 dân số thế giới theo dõi qua truyền hình (cao nhất Premier League)?

Đà Giang

Bình luận
vtcnews.vn