• Zalo

Hanoitourist dính nhiều sai phạm thời ông Phạm Quang Thanh

Kinh tếThứ Sáu, 05/04/2019 07:01:00 +07:00Google News

Trong thời kỳ ông Phạm Quang Thanh làm Tổng giám đốc Hanoitourist, doanh nghiệp này bị Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm.

Trước khi được chỉ định làm Phó bí thư thường trực Huyện ủy Sóc Sơn, ông Phạm Quang Thanh giữ chức Phó Tổng giám đốc (từ tháng 7/2014 – 8/2015), rồi Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) từ tháng 8/2015 đến nay.

Đáng nói, trong thời gian ông Thanh làm Tổng giám đốc, Hanoitourist bị Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý tài chính, đất đai và thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước.

img0187jpg

Ông Phạm Quang Thanh vừa được được chỉ định làm Phó bí thư thường trực Huyện ủy Sóc Sơn. (Ảnh: Hanoitourist) 

Có lịch sử hình thành và hoạt động dưới dạng doanh nghiệp nhà nước từ 1963, tháng 7/2004, UBND TP.Hà Nội quyết định thành lập Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) nhằm thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đến 7/2010, UBND TP.Hà Nội tiếp tục có quyết định chuyển công ty mẹ - Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV.

Hiện nay, ngoài công ty mẹ, Hanoitourist có 2 công ty con vốn góp trên 51%, 14 công ty liên doanh liên kết và 4 công ty đầu tư tài chính khác có vốn Nhà nước góp dưới 50%.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, Hanoitourist hiện đang quản lý và sử dụng 12 khu đất với diện tích 13.226 m2, trong đó 10 khu tại Hà Nội, 1 ở Đà Nẵng và 1 ở TP.HCM. Kết quả thanh tra cho thấy hiện các cơ quan chưa xác định được đơn giá thuê đất và thông báo nộp tiền thuê đất tại 153 Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) - công ty mẹ tạm trích tiền thuê đất hơn 3,5 tỷ đồng là chưa có cơ sở.

Tại CTCP Thương mại du lịch Thanh niên Hà Nội – công ty con của Hanoitourist, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra sai phạm trong việc ký 14 hợp đồng (và phụ lục hợp đồng) cho 5 công ty và 9 cá nhân thuê (chưa xác định chính xác diện tích) để làm cửa hàng, văn phòng.

Tương tự, tại CTCP Dịch vụ giải trí Hà Nội chưa thực hiện đúng hợp đồng thuê đất, tự ý ký hợp đồng “hợp tác kinh doanh khai thác tài sản và cơ sở hạ tầng” trên diện tích đất thuê của nhà nước, nhưng không xin phép Chính phủ hoặc UBND TP.Hà Nội.

Về quản lý tài chính, kết quả thanh tra xác định, đến thời điểm thanh tra tháng 12/2017, Công ty mẹ - Tổng công ty Du lịch Hà Nội chưa có phương án sử dụng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước và chưa nộp vào quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hơn 545,7 tỷ đồng.

Tại các đơn vị khác, CTCP Dịch vụ giải trí Hà Nội chưa sử dụng thặng dư vốn cổ phần và chưa có kế hoạch sử dụng các quỹ thuộc nguồn vốn của chủ sở hữu số tiền hơn 15,2 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2016, có 3 trong số 6 doanh nghiệp không bảo toàn được vốn là CTCP Du lịch và thương mại Dân chủ (lỗ lũy kế hơn 116 tỷ đồng), CTCP Thương mại du lịch Thanh niên Hà Nội (lỗ lũy kế hơn 830 triệu đồng), CTCP Thăng Long GTC (lỗ lũy kế hơn 6,8 tỷ đồng).

4 doanh nghiệp được thanh tra cuối 2016 chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải thu với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Du lịch Hà Nội đang theo dõi tài sản thiếu chờ xử lý số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Kết quả thanh cũng cho thấy tại thời điểm 31/12/2016, 6 doanh nghiệp bị thanh tra đang nợ hơn 761,1 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 494,7 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 266,4 tỷ đồng. Trong đó, 4 doanh nghiệp bị thanh tra chưa đối chiếu đầy đủ nợ phải trả, số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Liên quan việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, kết quả thanh tra cho thấy còn có tình trạng hạch toán thiếu lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016, hạch toán thiếu doanh thu và hạch toán tăng không đúng chi phí...

Tại thời điểm 31/12/2016, Hanoitourist đã đầu tư vào 2 công ty con số tiền hơn 135 tỷ đồng, tương đương 9,5% đầu tư tài chính dài hạn. Doanh nghiệp này cũng đang đầu tư vào 14 công ty liên kết số tiền hơn 1.260 tỷ đồng, bằng 88,9% đầu tư dài hạn.

Đáng chú ý, nhiều khoản đầu tư vào doanh nghiệp liên kết bị âm cả lợi nhuận thực hiện lẫn lợi nhuận lũy kế, như tại Công ty TNHH Làng Đoàn Kết, Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hoàn Kiếm, CTCP Du lịch Hà Nội – Hạ Long.

Kết thúc quá trình thanh tra tài chính tại Hanoitourist, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý số tiền hơn 551 tỷ đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước và quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, xác định nguyên nhân, có hình thức xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan.

Thi tuyển công khai, minh bạch là chìa khóa trong công tác cán bộ

Chia sẻ với VTC News về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ trong bộ máy Nhà nước, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) cho rằng phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, không ngại động chạm mới tuyển dụng được người tài.

“Chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở hô hào, kêu gọi. Phải đi vào phân tích nguyên nhân, rồi từ đó đưa ra các biện pháp đúng, mạnh mẽ, quyết liệt mới làm được”, ông Hương nói.

Theo nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, hiện có ba phương pháp để lấy người vào bộ máy, một là bầu cử, hai là thi tuyển, ba là bổ nhiệm. Trong đó, phương pháp bổ nhiệm tạo ra nhiều kẽ hở nhất, dễ lạm dụng nhất, bị "kêu" nhiều nhất; còn bầu cử là phương pháp hay, thực hiện với một số vị trí, nhưng gần đây nghe nói cũng có chuyện "chạy" rồi.

"Tôi cho rằng phương pháp thi tuyển công khai, minh bạch với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ của công luận là chìa khóa trong công tác cán bộ", ông Nguyễn Đình Hương cho biết. 

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn