• Zalo

Hành trình khám phá hang động bí ẩn nhất Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 20/02/2013 06:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Anh chàng chăn dê được coi là người đầu tiên phát hiện ra những chiếc quan tài bí ẩn đã được cất giấu dễ đến cả ngàn năm nay trong động.

(VTC News) - Anh chàng chăn dê được coi là người đầu tiên phát hiện ra những chiếc quan tài bí ẩn đã được cất giấu dễ đến cả ngàn năm nay trong động.


Kỳ 1: Hang động bí ẩn


Sông Luồng đoạn cách bãi Ca Da, ngã ba hợp lưu với sông Mã chừng vài trăm mét, dòng chảy bỗng xuyên qua vách núi đá dựng đứng tạo nên một chiếc hang lớn có tên rùng rợn là hang Ma. Người Thái ở đất Quan Hóa (Thanh Hóa) từ lâu theo đó đặt tên cho ngọn núi bị dòng chảy bào mòn này là Pha Hang Ma (núi hang Ma).

Cách không xa con thác đó, xuôi theo dòng chảy, trên cao chót vót đỉnh Pha Hang Ma dốc đá dựng thẳng đứng, tưởng như không ai trèo lên được có một cửa động. Kỳ lạ, động trên núi nhưng từ xa xưa đã có tới hai cái tên, đều gắn với sông nước: Lụng Buốc Mu (nơi lợn lòi tắm), hoặc Pó Cúng (vũng tôm).
Anh Vũ Văn Đạt vượt sông lên động Pó Cúng 
Trên bãi đất bằng phía sau sườn núi Pha Hang Ma, có một bãi tha ma với hơn 1.000 ngôi mộ cổ. Tương truyền, đó là mộ của nghĩa quân Lam Sơn do các tướng Lê Sát, Lê Hào và Khằm Ban chỉ huy, bị tử trận khi đánh đồn Tùng Hóa (trại Quan Da) của địch.

Với người dân địa phương, vùng đất hoang vu hiểm nguy với những cái tên bí hiểm ấy chỉ càng nhắc bà con tránh xa, không đến gần làm gì. Nhưng rồi, một buổi chiều đông năm 1997, chân núi Pha Hang Ma xuất hiện một người dân bản Khằm (cách chừng 1,5km) nặng nhọc trèo ngược dốc.

Mấy con dê nhà anh đi lạc vào trong núi. Tiếc của nên quên cả sợ hãi, anh cứ theo dấu phân dê mà đạp đá tai mèo, bẻ cây đu cành trèo tới.
Anh Đạt dẫn đường lên hang Ma 
Bỗng anh giật thót mình, vì khuất trong lùm cây dại ngay trên đầu mình là một miệng hang lớn, đen ngòm bí hiểm. Thường ngày đứng bên kia sông Luồng, anh có nhìn thấy cửa động Pó Cúng nhỏ như hốc đá, chứ chưa thấy miệng hang này.

Định tụt xuống, nhưng tính tò mò trỗi dậy, anh lại quyết níu vào các rễ cây, bám theo vách núi dựng đứng leo lên khám phá. Vừa đu người trèo đến miệng hang, anh toát mồ hôi hột khi thấy trước mặt là hai cỗ quan tài to lớn, nằm chĩnh chện trên giá gỗ, án ngữ giữa lối vào.

Mặc dù rất khiếp sợ, nhưng lúc đó không còn đủ sức để leo ngay xuống, anh ta liều lĩnh ngồi ngay cửa hang nghỉ. Nhìn vào trong, thấy miệng hang nhỏ nhưng bên trong khá rộng và sáng, nên anh tự tin bước vào.
Quan tài trong hang Ma 
Thì ra đây là một lối vào khác của động Pó Cúng. Nhìn quanh quất trong hang, anh thấy thêm hàng chục cỗ quan tài gỗ lớn nhỏ khác xếp ngay ngắn trên các giá gỗ lớn khắp ba tầng hang rộng lớn…

Đem câu chuyện mắt thấy tay sờ này về kể trong các bữa rượu, anh chỉ nhận được những tiếng cười chế giễu. Bực mình, anh thách thức mấy người thanh niên khác theo mình trở lại động núi…

Từ đó, anh chàng chăn dê này được coi là người đầu tiên phát hiện ra những chiếc quan tài bí ẩn đã được cất giấu dễ đến cả ngàn năm nay trong động núi Pha Hang Ma.

Nhưng rồi câu chuyện về động Pó Cúng cũng dần đi vào quên lãng. Bởi chẳng ai lý giải nổi vì sao lại có rất nhiều cỗ quan tài đặt trong hang núi, và người xưa đặt vào đó làm gì?
 
Dễ đến 10 năm sau, trong lúc trà dư tửu hậu với một số cán bộ huyện Quan Hóa, tôi có nghe các anh nhắc đến động quan tài treo, và nhờ đi tìm lời giải cho những thắc mắc. Máu tò mò nổi lên, tôi bèn theo chân vào động Pó Cúng khám phá.

Do động Pó Cúng nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nên anh Vũ Văn Đạt (lúc ấy là Phó Giám đốc Khu) vui vẻ dẫn đường cho chúng tôi. Đường chim bay thì ngắn, nhưng từ thị trấn Hồi Xuân muốn đến Pó Cúng phải lần lượt vượt qua cả sông Mã lẫn sông Luồng.

Cởi quần dài buộc vắt lên cổ, rồi vạch cây, rẽ lối tìm đường, anh Đạt đưa tôi lên động núi Hang. Đường dốc, lại không ai biết đường, nên cả hai vừa dò dẫm bước, vừa bứt lá bẻ cây quạt muỗi phành phạch.
 
Núi Pha Hang không đồ sộ lắm, nhưng đường lên thì cực kỳ hiểm trở. Chúng tôi thận trọng bám mười đầu ngón tay lên vách đá tai mèo cheo leo thẳng đứng, đu lên với tốc độ rùa bò.

Chỉ sơ sẩy một chút, tay bám trượt hay bất ngờ đạp đá dưới chân lở ra, thì toàn thân chúng tôi chắc sẽ như những quả dưa hấu bị người ta ném ra từ cửa sổ của tòa cao ốc.

Khi đã chinh phục vách núi, lặng lẽ ngồi từ miệng hang lộng gió nhìn ngắm bốn bề sông núi, phía sau lưng là hàng chục cỗ quan tài cổ, di sản từ ngàn năm trước, cảm xúc thật tuyệt vời không dễ gì tả xiết.

Động Pó Cúng này có thể coi là rộng lớn và quy mô nhất trong số những động có táng quan tài cổ đã được tìm thấy ở Việt Nam. Động sâu chừng 30 mét, cao hơn 10 mét, được chia làm ba ngăn như ba gian nhà lớn mà tầng thứ ba là tầng chính.
 
Hai cửa ra vào của động đều cao chừng 5 mét, rộng hơn hai mét, cũng chính là hệ thống thông gió tự nhiên hoàn hảo khiến lòng hang khá khô ráo, không khí thoáng đãng và ánh sáng đầy đủ.

Trong số hàng chục cỗ quan tài được đục từ nguyên thân gỗ lớn xếp đầy ba tầng hang động này đã có nhiều chiếc mục hỏng, lại bị cạy bật tấm ván thiên, nhưng nhìn chung phần lớn còn khá nguyên vẹn.

Nhìn cảnh nơi an nghỉ ngàn năm của người xưa, cái thì bị mục nát do thời gian, cái thì bị xô đổ khỏi giá đỡ do một số người dân vô ý thức, nằm ngổn ngang trên lòng hang, thật buốt ruột.

“Lần trước lên đây, còn thấy ở hang ngoài có một cái đầu lâu vỡ, cũng nghĩ là cần bảo quản, nhưng tôi không dám đem xuống. Đây, một mảnh hộp sọ đây này” – Anh Đạt vừa nói vừa cúi nhặt, giơ lên cho tôi chụp ảnh.
Cửa động Pó Cúng, nhìn từ trong ra ngoài 
Tôi nhìn ngắm khắp lòng vòm hang, vách đá khá nhẵn nhụi, bốn bề cùng đen thẫm như được hun cẩn thận bằng một thứ khói lạ kỳ nào đấy, khác hẳn với vách đá xám hoặc xanh bên ngoài.

Nền hang đầy phân dê, không rõ có tự bao giờ, lẫn trong những viên đá lạ, hình thù đẹp đẽ nằm vương vãi. Ngoài những viên đá xanh tròn nhẵn có thể chỉ có dưới lòng sông Luồng, sông Mã, tôi tần ngần trước một viên thạch anh trắng muốt, to và tròn như chiếc mũ cối.

Rõ ràng khối thạch anh này là thứ đá được cố ý đem đến từ nơi khác, không thuộc phạm vi dãy núi này, còn nó có vai trò gì trong nghi thức mai táng thì không rõ.

Tôi nhìn kỹ quanh vòm và cửa động, tuyệt nhiên không thấy một ký tự hay ký hiệu gì giúp khám phá thêm những bí mật về nơi yên nghỉ của người xưa.

Còn tiếp…

Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn