Kỳ 1: Đi tìm hang động vùi xác “dân đen”
Bấy lâu nay, chúng tôi vẫn để ý xem tư liệu, tìm kiếm ngọn núi Cô Sơn nằm trên vùng đất có tên là “xã Bản Thủy” (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Sở dĩ, bởi Cô Sơn là một trong những ngọn núi ẩn chứa dấu tích đau thương của người dân cả một xã, bị giặc Minh thiêu chết chung trong một hang núi. Cái chết đau đớn tức tưởi của những lương dân này, có lẽ khởi nguồn cảm hứng cho lời cáo của Nguyễn Trãi lên án tội ác của quân giặc: “Nướng dân đen trên lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo).
Việc mày mò đi tìm núi Cô Sơn gặp nhiều khó khăn. Bởi Bản Thủy là địa danh cũ, mà hầu hết các tên xóm làng, xã tổng cũ, ngày nay đã được thay tên mới. Sau, một đồng nghiệp biết chuyện, nói: “Quê tôi vốn là xã Bản Thủy cũ, tức là xã Vĩnh Thịnh hiện nay. Vùng này nhiều núi lắm, Hùng Lĩnh, Cù Mông, Kim Sơn, Kim Âu, Kim Tử, núi Nham…, chẳng rõ nó nằm chỗ nào?”.
Một góc núi Cô Sơn, nơi có động núi, giặc Minh thiêu chết người dân Bản Thủy |
Ông từ ngoài 80 tuổi của ngôi chùa Hoa Long đẹp bậc nhất xứ Thanh vui vẻ đạp xe đến chùa làng đón khách.
“Đây đúng là đất Bản Thủy xưa. Núi Cô Sơn cách đây chừng mấy cây số thôi, không khuất cây cối và xóm làng thì nhìn rõ lắm. Tôi ngày trẻ cũng leo trèo chơi núi quanh vùng nhiều, nhưng không rõ chút nào về hang núi Cô Sơn cả. Cũng có mấy hang, không rõ hang nào có sự tích đau lòng mà các bạn quan tâm?” – ông từ Hoàng Đức E biết đọc chữ Hán vanh vách, băn khoăn hỏi lại khách.
Cán bộ văn hóa Trịnh Đình Hòe dẫn đường đến núi Cô Sơn. Họa sỹ Phan Bảo, người đồng hành của chúng tôi chỉ ngọn núi đất phía trước mặt, nằm trơ trọi giữa cánh đồng rộng, bảo: “Chắc chắn đó là Cô Sơn”.
Họa sỹ Phan Bảo đang cố tìm những dấu tích xưa bên vách núi |
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Cô Sơn ở xã Bản Thủy, phía Đông huyện Vĩnh Lộc. Bắt đầu từ núi Hùng Lĩnh đổ tới, nổi lên ngọn núi đất. Mặt trước có một tảng đá tròn, trông hệt như sư tử hí châu (sư tử vờn ngọc). Lại có đủ “nhị thập bát tú” (hai mươi tá ngôi sao) la liệt ở phía bên tả.
Chính giữa là ngọn Hoàng Phong, sừng sững như vách dựng giữa trời, ở trên có khắc 8 chữ Hán “Tri thanh điền trí thanh trí điền tri”, cao với không tới, không rõ khắc từ đời nào và ý nghĩa thế nào…”.
Anh cán bộ văn hóa cho biết: “Hang đó ở phía sườn núi bên, đang nằm trong công trường khai thác đá. Người ta đã khai thác đá cả chục năm nay, không rõ còn gì không. Trước, tôi vào rồi, rõ ràng là có chữ Hán trên vòm cao”.
Hang núi Cô Sơn chỉ còn lại tàn tích |
Thấy chúng tôi hỏi về hang, công nhân khai thác cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Rồi một người nói: “Từ chỗ chúng tôi đang ngồi, đến chỗ núi hiện tại, vốn là một hang lớn đấy. Nhưng cả chục năm nay đánh mìn khai thác, nên thành đất bằng rồi. Giờ chịu khó leo lên tận nơi, may ra các anh còn thấy được chút ít đáy hang chưa phá hết”.
Họa sỹ Phan Bảo hỏi thêm: “Trước đây, các anh có nhìn thấy những chữ Hán lớn trong hang này không?”. Người nọ nhìn người kia, rồi trả lời: “Có. Anh Hòe này cũng biết mà. Mấy chữ lớn phía trên trần hang. Nhưng chúng tôi có đọc được đâu mà biết chữ gì. Với lại gần đây cũng mới thấy bảo nó là di tích, chứ chúng tôi chỉ biết nổ mìn phá đá thôi mà”.
Tôi tiến sát vách đá còn dấu tích hang cũ. Từ dấu tích chân núi đến vách đá hiện tại, ước chừng quả núi đã bị phá đi một quãng dài chừng 60m. Đá mới vỡ trắng xóa, hoặc vàng, đá trần hang đen kịt, có cả đá rêu chết xanh xám nhợt nhạt, nằm chỏng chơ.
Trên phía cao chừng 10m, có một dấu tích hang cũ, trông như hai ngách đá. Đó là đoạn cuối cùng của hang, nên khá nhỏ và thắt, có màu đen xám tự nhiên đặc trưng. Một ngách chỉ còn sâu chừng 2m. Ngách kia còn chừng 3-4m, nhưng cũng không còn dấu tích gì, bởi đá vụn đã lấp lưng lửng nền hang.
Vừa dẫn chúng tôi đi xem lại những dấu tích, anh Trịnh Đình Hòe vừa bảo: “Trước đây tôi có vào hang này chơi nhiều lần. Hang rộng lắm, tất cả chỗ đất trống này vốn là lòng hang cũ đấy thôi. Trần hang cao, bắc thang dài cũng chẳng thể nào chạm được tới đâu.
Trên vách hang, đoạn cao tầm năm bảy mét rõ ràng có những chữ Hán. Nhưng do không ai đọc và hiểu được nó nói gì nên chẳng quan tâm đến nó”.
Một góc Bản Thủy xưa |
Theo họa sỹ Phan Bảo, những năm cuối thời nhà Trần và thời nhà Hồ, Vĩnh Lộc là một trung tâm văn hóa, chính trị lớn không chỉ của xứ Thanh mà cả nước. Cách núi Cô Sơn không xa là thành Tây Đô (còn gọi là thành nhà Hồ). Ly Cung, nơi an trí vị vua cuối triều Trần nằm ngay kề xã, cách mấy ngọn núi…
Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, ngoài việc ra sức vơ vét tài nguyên sản vật, tàn sát văn hóa, thư tịch, chúng còn bắt đi rất nhiều nhân lực như thợ khéo, học trò, thầy thuốc… đem về nước. Những người có nghĩa khí đều tìm mọi cách rút vào rừng sâu ẩn náu, chờ thời cơ quật khởi, hoặc chí ít là không hợp tác với giặc.
Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép rõ: “Lại có một ngọn núi đất đột ngột nổi giữa ruộng đồng bằng phẳng, trong có cửa vòm như gian nhà, có một cửa. Tương truyền trước đây người Minh xâm chiếm nước ta, sưu dịch nặng nề, dân xã Hoàng Xá đều lẩn tránh trong đó, quân Minh bèn phóng lửa cho chết hết.
Tới nay, hàng năm cứ tới ngày 15 tháng 8, người trong xã đều đem vàng hương rượu thịt ra cúng tại đó. Núi này còn gọi là núi Long Cốt (xương rồng)”. Và nơi đây chính là dấu tích của sự đau thương thảm khốc đó, có vẻ như gần đây đã bị quên lãng.
Tôi hỏi anh Trịnh Đình Hòe: “Cứ theo như sách chép, thì trước Cách mạng Tháng Tám, địa phương còn tục cúng giỗ chung cho những người bị thiêu chết trong hang núi này. Anh có từng biết một lần giỗ nào như vậy gần đây không?”.
Anh Hòe nghĩ ngợi thật lâu, rồi lắc đầu: “Tôi mới sống mấy mươi năm nay, không biết được chuyện của người đi trước”. Đem câu chuyện hỏi thêm ông cụ thủ từ Hoàng Đức E, cũng nhận được cái lắc đầu tương tự.
Mà sách mới in ấn phát hành khoảng năm 1910, dưới triều vua Duy Tân, vị vua yêu nước của nhà Nguyễn.
Đành đi tìm một manh mối khác, về việc giặc Minh thêm một lần “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” ở vùng đất khác, mà sử sách còn ghi rõ hoàn cảnh, con người, địa danh, năm tháng xảy ra…
Còn tiếp…
Bình luận