Đêm 24/2, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được cuộc điện thoại từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép Bộ phận Cơ thể người - Bộ y tế, khi có người bệnh ở Bệnh viện Trung ương Quân y 108 bị chết não hiến tặng tim.
Người chết não vốn là một quân nhân, mang hàm thiếu tá, 45 tuổi, quê ở Tam Điệp, Ninh Bình. Ông bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ.
Danh sách chờ ghép tạng ở bệnh viện Chợ Rẫy lúc này có khá nhiều người, trong đó có chàng trai 29 tuổi quê Tiền Giang mắc bệnh cơ tim giãn nở.
Theo TS BS Phạm Ngọc Thảo – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ khi được ghép tim, chàng trai 29 tuổi mới có cơ hội sống, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, người bệnh không dám mơ ước điều gì quá xa vời.
Phương án thay thế ghép cho một bệnh nhân khác đã có, nhưng việc chàng trai còn trẻ, mọi thứ khép lại chỉ vì thiếu tiền, khiến chúng tôi băn khoăn. BS Thảo nói và chia sẻ rằng, khi trao đổi với giám đốc bệnh viện, đã đi tới quyết định sẽ ghép cho chàng trai 29 tuổi, tiền bạc tính sau.
Lúc này, phía Hà Nội yêu cầu người bệnh nhanh chóng ra Bệnh viện Việt Đức, làm các xét nghiệm để tiến hành ghép tim.
"Vì hoàn cảnh của người này quá khó khăn, nếu ra ngoài đó, chi phí đi lại, ăn uống, thuốc thang…sẽ rất tốn kém. Chúng tôi cố gắng thuyết phục vận chuyển quả tim vào Nam để tiết kiệm cho người bệnh, BS Phạm Ngọc Thảo nhớ lại.
Tuy nhiên, điều này khiến ca ghép tim gặp khó khăn, bởi quãng đường di chuyển quá xa, tới hơn 1.600 km. Điều này một lần nữa làm ê-kíp băn khoăn.
Các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo chỉ nên vận chuyển quả tim chỉ trong vòng bán kính 500 km, còn mình phải vượt hơn 1.600 km. Và quả tim từ khi lấy ra cơ thể tới lúc ghép tốt nhất chỉ trong 4 – 6 giờ, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, mọi công sức sẽ đổ sông đổ bể, TS BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Tiến hành hội ý với các bác sĩ 2 bệnh viện ở Hà Nội, mọi băn khoăn được đưa ra trao đổi, tìm cách tháo gỡ. Cuối cuộc thảo luận ấy, quyết định được đưa ra: Quả tim sẽ được vận chuyển vào Nam.
CSGT hộ tống xe cứu thương đưa tim kịp thời gian
Ngày 25/2, Bệnh viện Chợ Rẫy cử 2 bác sĩ ra Hà Nội với nhiệm vụ đưa quả tim về kịp thời gian, đồng thời liên hệ với chàng trai 29 tuổi ở Tiền Giang sớm lên Sài Gòn, lấy mẫu máu gửi ra Hà Nội xét nghiệm.
11h cùng ngày, người bệnh vẫn chưa có mặt ở bệnh viện, trong khi 14h30, đoàn phải lên máy bay. Sự lo lắng xuất hiện trên gương mặt bác sĩ. May mắn là sau đó chàng trai được người thân đưa lên đúng giờ. 2 lọ máu cùng bác sĩ nhanh chóng lên đường ra Hà Nội.
Trưa hôm sau, quả tim được đưa ra khỏi lồng ngực của Thiếu tá quân đội ở bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng lên xe cứu thương ra sân bay Nội Bài.
Nhờ sự trao đổi trước với lực lượng CSGT và lãnh đạo sân bay, quả tim đã lên kịp chuyến bay. Trong quá trình vận chuyển, cứ mỗi 2 giờ bác sĩ phải bơm dung dịch bảo vệ tạng một lần.
Vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, 2 xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy được đặc cách vào tận cửa thang máy bay đợi sẵn. Ngay khi xe cứu thương lăn bánh, cảnh sát giao thông TP.HCM dùng mô tô đặc chủng dẫn đường, rút ngắn thời gian về bệnh viện, trong lúc giao thông đông đúc.
Thùng đựng tim vừa xuống xe cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy dùng băng ca đưa thẳng lên phòng ghép tim, 14h30, ca phẫu thuật bắt đầu. Tới 19h15 phút, quả tim bắt đầu đập lại trong lồng ngực chàng trai 29 tuổi, máu lưu thông tốt. Lúc này, ê-kíp bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm . 21h30, cuộc mổ hoàn tất.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ, lúc đang chuẩn bị ca phẫu thuật ghép tim, Bệnh viện Chợ Rẫy lại nhận được tin vui từ Hà Nội, khi có thêm quả thận để ghép cho bệnh nhân.
Một kíp bác sĩ khác lại lên đường ra Bắc để mang “món quà” này về, ghép cho nữ sinh 25 tuổi quê Ninh Thuận bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Ca mổ ghép thận cho nữ bệnh nhân này được tiến hành từ 20h30 tới 1h sáng hôm sau và đã thành công trong sự vui mừng của tất cả mọi người.
Rạng sáng 27/2 – ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy rủ nhau đi ăn ở một quán nhỏ ở đường Nguyễn Tri Phương. Lúc ấy, họ mới có thời gian để chúc mừng nhau, chúc mừng ngày kỷ niệm.
Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Trần Quyết Tiến nhận định việc lấy đa tạng ghép ở cùng một bệnh viện vốn đã phức tạp, nay với khoảng cách 1.600 km, thì việc phối hợp lại càng khó khăn.
"Không chỉ được sự hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, mà chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ từ các đơn vị ngoài ngành y tế như cảnh sát, hàng không… giúp kết nối sự sống một cách trọn vẹn", BS Tiến chia sẻ.
Video: Hàng trăm bác sĩ nín thở thực hiện cùng lúc 4 ca ghép tạng trong đêm
Bình luận