Kỳ 2: Đi về thời nguyên thủy
3 giờ chiều, nắng xế chếch mang tai, đoàn dừng lại một chút để hoàn hồn cho những ai đã mất hồn vì say sóng. Tôi nhờ “chúa đảo” tranh thủ đưa ra chợ, kiếm vài thứ rau củ cần thiết cho bữa tối đầu tiên ở “bên kia thế giới”, đặc biệt cái tôi phải mua cho bằng được là mẻ - thứ thiết yếu với món cá nấu chua mà anh bạn cùng đoàn ấp ủ, “chém” phần phật trên dọc đường đi khiến chị em cứ nuốt nước bọt ừng ực.
Từ nhà “chúa đảo”, theo con đường bê tông rẽ trái là hướng ra một cầu cảng.
Con đường nhô cao hơn mặt biển, bên thì trơ bãi đá, bên thì sâm sấp nước với nhiều thuyền mắc cạn. Tôi đắm mắt vào bên trơ bãi đá nhiều hơn. Đơn giản vì nó quá đẹp.
Đẹp ở đá phủ lô nhô phần lớn bãi, xen vào những vụng nước trong, sóng nước lăn tăn. Đẹp ở đá dâng ngang mép kè đường ra cảng, chỗ thì bị sóng bào mòn nhẵn thín, chỗ thì gồ lên lõm xuống sắc cạnh tựa răng cưa. Đá phối màu nâu trầm lẫn vàng úa, lúc kẻ đường phân lớp, lúc đổ loang không trật tự. Đá đánh lừa thị giác, tưởng là mềm như đất thịt, đất sét, ai ngờ cứng rắn đúng là... đá.
“Chúa đảo” Thanh phá sự cảm nhận của tôi khi đưa tay chỉ về “bên kia thế giới” và gọi nó là hòn Khe Trâu – nơi chúng tôi thuê để ở trên đó như thời nguyên thủy.
À, hóa ra “bên kia thế giới” gần hơn tôi tưởng. Nó chừng 800m.
Hay! Tôi thấy hay vì “thời nguyên thủy” với hiện tại vốn ngăn nhau bằng chiều dài của hàng ngàn năm - cái chiều dài đủ sức đẩy hòn Khe Trâu trước mặt gần về phía cầu cảng hoặc xa hơn theo sự vận động của vỏ trái đất – thế mà nay nó chỉ là 800m thì không hay sao được.
800m, 30 phút đi thuyền sẽ cập bến “bên kia thế giới”. Và hòn Khe Trâu kỳ bí sẽ mở ra...
Giải mã hòn Khe Trâu
Từ cầu cảng nhìn sang Khe Trâu, tôi cứ thắc mắc mãi vì sao gọi nó là hòn Khe Trâu. “Chúa đảo” nghe tôi thắc mắc xong, ngắc ngứ một hồi rồi cũng trả lời ngắn gọn: “Chịu chết!”.
Ô! đến người sở hữu hòn Khe Trâu còn “chịu chết” thì ai trả lời được?
Huyện đảo Cô Tô có tổng cộng 71 đảo, cồn, hòn, đá, vụng lớn nhỏ. Cụ thể: Cô Tô Lớn, Cô Tô Nhỏ, đảo Thanh Lân, đảo Trần, 13 cồn, 12 đá, 41 hòn, 1 vụng. Trong hệ thống hòn, có 3 hòn gắn từ “Khe” ở phía sau. Đó là hòn Khe, hòn Khe Con và hòn Khe Trâu.
Huyện đảo Cô Tô chia làm hai quần đảo lớn có sự cư trú tập trung là Cô Tô Lớn và Thanh Lân. Cô Tô Nhỏ thì nằm ở phía Đông Bắc so với Cô Tô Lớn và phía Tây Bắc so với Thanh Lân, hợp thành một hệ đảo tam giác.
Giữa Cô Tô Lớn và Thanh Lân là 3 hòn. Trong đó hòn Khe Trâu nằm gần Cô Tô Lớn, hòn Khe nằm gần Thanh Lân và hòn Khe Nhỏ lại lọt giữa hon Khe và hòn Khe Trâu. Đến đây tạm kết luận được một vế. Chữ “Khe” trong 3 hòn này có nghĩa là ở khe trống, khoảng giữa Cô Tô Lớn và Thanh Lân.
Phần lớn các hòn, cồn, đá ở Cô Tô đều được đặt tên theo tên các con vật, ngôi sao, vật dụng... có dáng dấp, hình thù giống chúng. Kể ra một loạt: hòn Cá Chép, hòn Con Chuột, hòn Bắc Đẩu, hòn Bát Hương, hòn Bầu Rượu,... cồn Tai Khỉ, cồn Vó Ngựa, cồn Chân Kiểng, cồn Chân Miếu,... đá Sư Tử, đá Chuột Nhắt, đá Ba Đỉnh, đá Sao Đêm...
Vậy thì hòn Khe Trâu không thể đi lạc ra khỏi cái nguyên tắc đặt tên nêu trên. Và quả thật, từ trên cao nhìn xuống (Dùng Google Earth), Hòn Khe Trâu giống hình một đầu trâu nếu nhìn theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Phải nói chính xác, hình thù đầu trâu này là một hình khuyết. Ngà phải của đầu trâu bị cụt và một mắt của nó nhắm lại trong khi mắt kia mở tròn to.
Nếu nhìn theo hướng Tây Nam – Đông Bắc thì hòn Khe Trâu lại giống hình một con chó con. Mồm con chó quay về Cô Tô Lớn, đuôi vểnh lên chỉ hướng Đông.
Người xưa không có Google Earth, người xưa đi quanh Hòn mà định hình. Vì thế trong hàng chục những đảo, hòn, cồn, đá đã định hình đặt tên, thế nào chẳng có cái định hình khuyết. Ấy là còn chưa kể việc, mọi thứ chỉ là tương đối và nếu chọn mỗi góc nhìn khác nhau, hình thù cũng sẽ khác nhau.
Bây giờ thì có thể kết luận trọn vẹn vì sao hòn đảo của “chúa đảo” Thanh có tên là Khe Trâu. “Chúa đảo”...( à không, lúc này phải giáng chức anh ta xuống chỉ còn là “chúa hòn” thôi.) “Chúa hòn” có thể "chịu chết" song với tôi – một kẻ đam mê địa văn hóa, mê giải ảo hiện thực tên, văn hóa các vùng đất thì nhất định không!
Đổ máu trên hoang hòn!
Nói đến cái kính, bỗng dưng nó rơi khỏi mang tai khi tôi đang cúi, khiêng chiếc ca nô hơi lên thuyền để sang Khe Trâu. Nó rơi xuống ngay chân cầu cảng và nó buộc “chúa hòn” phải tức khắc lao xuống biển.
Đúng là đứa con của biển cả. Chỉ vài cú đạp chân, guồng tay, “chúa hòn” đã chạm đáy (chỗ này sâu khoảng 3m) và lấy chiếc kính lên như lấy đồ từ trong túi ra.
Thuyền của “chúa hòn” nổ máy đi lòng vòng bởi cái mỏ neo mắc phải dây của vài chiếc thuyền gần đó. “Chúa hòn” lần thứ hai phải lao xuống biển để gỡ rối.Vắt qua eo hòn ở hướng Tây Bắc được đánh dấu bởi những quả phao cầu, thuyền của “chúa hòn” chầm chậm lướt trên sóng. Phía trước thuyền là hòn Khe Nhỏ với hai phiến đá tảng nhô lên tựa hòn Trống – Mái ở Hạ Long.
“Chúa hòn” nói, khi sớm mai tỉnh dậy đón bình minh, mặt trời sẽ lọt vào khoảng giữa của hai phiến đá tảng này, trông rất tuyệt. Tôi tin lời “chúa hòn” vì theo tôi định vị thì mặt trời kẹt giữa hòn Khe Nhỏ là hiển nhiên nhưng để tóm được cái khoảnh khắc này không có cách nào khác là phải chèo thuyền ra biển để ngắm nhìn.Nhưng thôi, đó là câu chuyện của sớm mai.
Hiện tại đang là chiều, mặt trời đã vượt qua đỉnh phiến đá tảng mất gần ngày rồi. Lúc này, “Hòn Trống – Mái non” (cái tên tôi chợt nghĩ tớ) đang đứng lặng nhìn tôi và chờ thủy triều dâng lên.Thuyền rẽ mũi trước hòn Khe Nhỏ, hướng vào bờ hòn Khe Trâu.
Bờ Bắc Khe Trâu là một cánh cung lượn theo chân núi với cát trắng thoải dài. Hai đầu cánh cung, núi gắng gượng sải ra biển bằng những tảng đá lớn xếp lên nhau, cỏ cây mọc um tùm. Tạm gọi cái “gắng gượng” này là hai đầu thắt nút khi người ta buộc dây cung.
Bờ Bắc Khe Trâu đá ngầm còn dạt ra biển hàng trăm mét, tạo nên một bãi nuôi trồng thủy sản cho “chúa hòn” và tạo nên nguồn thức ăn chính cho cả đoàn chúng tôi những ngày sống tại đây.
Thuyền cập bãi không hết mũi vì sợ khê, “chúa hòn” quăng cái mỏ neo về phía sau thuyền. Ở mũi trước, tôi cũng nhanh tay quăng tiếp một cái mỏ neo khác để anh bạn cùng đoàn găm vào cát trên bờ.
Cuộc đổ bộ lên hoang đảo rất rầm rộ vì đồ đạc lỉnh kỉnh. Vài gã trai ga lăng xuống trước, sẵng sàng đưa lưng ra làm bậc thang cho chị em dẫm lên.
Trên hòn có một cái chòi canh, “chúa hòn” gọi cái chòi canh là nhà sàn. Nhưng chúng tôi chẳng thấy nó giống nhà sàn chút nào, ngoại trừ sàn nó nhô cao hơn mặt đất khoảng 40 cm thật.
Chòi canh được dựng bằng nuồng nứa, lợp lá cọ, ngay bên hông con đường bổ ngang thân núi, dẫn sang phía Tây Nam của hòn. Chòi canh có bốn mặt, mặt quay ra biển có vách với một cửa sổ rộng cùng cái hiên không có lan can. Ba mặt còn lại trống hơ trống hoác, lan can cao tới đầu gồi người đứng.
Chòi canh từ phút đó là nơi trú ngụ của 7 chàng trai và 5 cô gái. Họ sẽ cùng sống với vài cân gạo, 3 bình nước ngọt, một ít gia gia vị, một cái thuyền hơi, 2 mái chèo, một mảnh lưới, 2 cái cần câu và một cái cái bật lửa để sinh tồn trên hoang hòn 2 ngày.
Bữa ăn đầu tiên
Chiều đổ loang một khoảng đỏ phía sau núi. Anh bạn cùng đoàn hùng hục nhấn bơm cho phồng cái thuyền hơi. Thuyền sau đó được kéo ra biển bởi 3 người. Họ ngồi lên cố gắng chèo thử và kết quả chỉ quay tít một chỗ.
Tôi cùng 2 anh bạn khác có khả năng bơi lội theo chân “chúa hòn” xách lưới đi về rìa cánh cung phía Tây, bắt đầu cuộc kiếm tìm thức ăn cho bữa tối.“Chúa hòn” quên không cảnh báo về sự nguy hiểm của lòng biển nơi đây. Thế nên, việc bờ biển nông nhờ đá ngầm thoải dài đã đánh lừa những kẻ hiếu chiến, thích thể hiện trước mặc chị em. Kết quả, tôi, hai anh bạn lần lượt toé máu dưới gan bàn chân, đầu gối ngay khi vừa bước xuống nước.
Đá ngầm ở đây là hàng ngàn lưỡi dao sắc lẹm – cái lưỡi dao được tạo nên bởi vỏ hàu chết, hóa thạch trên đá. Đá ngầm ở đây chỉ úp mặt xuống là nhìn thấy. Nước quá trong.Cá liên tục dính lưới, những ngư dân chân dán ơ - gâu, mặt đeo kính lặn, kịt mũi cười hả hê gỡ lưới.
Hôm ấy, trăng mồng Sáu xén vội trên đỉnh núi, những khoảng loang đỏ phía hoàng hôn bị màu đen xâm chiếm, cười rũ mây như chàng trai vừa chiếm được trái tim một cô gái.
Anh bạn tôi và “chúa hòn” lặng lẽ lên bờ với cá ngổn ngang mắc lưới, bỏ mặc tôi nghiện ốc, hì hụp lặn mò những con ốc biển tôi vẫn hay ăn ở Quán Cay bên hồ Giảng Võ.
Chưa hết, tôi cùng một người bạn khác chèo thuyền hơi đi kiếm bào ngư. Nhưng cuối cùng phải nhờ đến “chúa hòn” hụp lặn, mới được mục sở thị cái thứ loài đen xì, cầm vào nhũn nhão, nhỏ ra toàn nhớp trắng đục.
Tối úp nồi xuống hoang hòn, 3 anh bạn trong đoàn xuôi bãi sang rìa Đông tìm kiếm đá cuội về kê bếp. Xong việc, cả ba lại xuống bãi tìm củi thay vì phải lên núi. Củi được họ kiêng về toàn là gốc rứa rừng, không tài nào cháy được. Thế mới biết, dù đến từ thời hiện đại - thời hiện đại kiểu trai phố, vẫn có những đứa khù khờ hơn cả thời nguyên thủy.
Tôi đặt bếp ở chính giữa bãi cát nhỏ bên hông chòi đã được “chúa hòn” phát quang từ hôm trước. Tôi không nhóm lửa vội, đứng dậy đi vòng quanh bãi một hồi xem hướng gió để che chắn. Tôi sợ lửa từ bếp có thể bén lên bụi cây rồi thui trụi cả hòn Khe Trâu.
Lửa cháy, sáng một khoảng tối dầy đặc. Lửa nung đế nồi cơm gạo trắng. Ngày đầu tiên thực hành cuộc sống “bầy đàn”, loài người thời hiện đại đã phát hiện sớm hơn người nguyên thủy giá trị của lửa.
Bấy giờ, dưới ánh lửa bập bùng, tôi ngồi vót đôi đũa cả từ thân nuồng khô rất rắn trong lúc chờ cơm sôi. Những người bạn còn lại trong đoàn bị cái đói làm cho quên béng những vết cứa khiến máu hòa vào nước biển cách đó không lâu.
Họ, trong cái chòi bị bóng tối vây bủa, đưa mắt nhìn ra đại dương mênh mông rồi tự hỏi: Có thực thời nguyên thủy đã bắt đầu như thế này không?
“Bùng…” - Tiếng nổ ở ngoài bếp khiến tất cả giật mình. 2 hòn đá cuội sau một hồi nung lửa đã nổ tung. Nồi cơm đang nấu đổ ụp xuống bếp và mọi thứ tối thui. Thời nguyên thủy bắt đầu bằng buổi tối chỉ có cá nướng chứ không có cơm canh như lúc đi anh bạn tôi ngồi tả.
Bình luận