Hành trình chống chọi với bệnh tật của Feng kéo dài trong nửa tháng kể từ ngày 25/1.
15 ngày trước đó - 10/1, Feng gặp một bệnh nhân bị sốt và khuyên người này đi khám. Feng không rõ những tiếp xúc với bệnh nhân trên có phải là lý do cô nhiễm bệnh không nhưng một trong những đồng nghiệp của cô bị xác nhận nhiễm virus từ trước Tết.
"Lúc đó, tôi khá bình tĩnh và không bao giờ mình sẽ bị lây nhiễm. Giờ nhìn lại, tôi đã quá lạc quan và đánh giá thấp loại virus chưa từng được biết đến này", Feng chia sẻ.
Trung Quốc hôm 14/2 xác nhận hơn 1.700 nhân viên y tế nhiễm bệnh. Không ít người trong số này bị lây nhiễm do nhận thức về dịch bệnh không lây nhiễm chưa cao và mất cảnh giác khi nhiều bệnh nhân không bộc lộ bất cứ triệu chứng nào.
Không biết mình nhiễm bệnh, Feng vẫn làm việc liên tục 24 giờ trong ngày 23/1. Sáng 24/1, cô lái xe trở về nhà. Dù nghĩ rằng virus sẽ không tìm đến mình, Feng vẫn cảnh giác, khuyên chồng không tiếp xúc và giữ khoảng cách 1,5 m. Nữ y tá cũng gọi về cho bố mẹ thông báo cô sẽ không về nhà ăn Tết phòng trường hợp không may cô nhiễm bệnh.
Tới ngày 25/1, Feng bắt đầu thấy chóng mặt, ngạt mũi, các triệu chứng rất giống cảm lạnh.
"Trực giác nói với tôi rằng tôi có thể đang ở giai đoạn đầu của bệnh. Cho dù có nhiễm virus hay không, tôi vẫn uống amoxicillin và thảo dược để giảm bớt các triệu chứng khó chịu", Feng nhớ lại.
Ngày hôm sau, cô thấy tệ hơn. Cổ họng, cơ bắp của Feng đau ê ẩm, nhưng cô không sốt. Sau khi liên lạc người giám sát của mình tại bệnh viện, cô tới làm xét nghiệm tổng quát nhưng đều cho ra kết quả âm tính với Covid-19.
Sáng hôm sau, Feng thấy đỡ hơn nhưng lại mất giọng. Cô quyết định tới bệnh viện lần 2 để làm xét nghiệm acid nucleic. Tới 20h, Feng không tin vào mắt mình khi nhận được kết quả dương tính với virus.
Ngay sau đó, cô tới văn phòng, thu dọn vật dụng cá nhân trước khi nhập viện vào 23h cùng ngày.
"Ban đầu, tôi cảm thấy vui nhiều hơn buồn vì tôi đã giữ khoảng cách với người thân, ngăn họ bị lây nhiễm. Nhưng khi một y tá tới phòng bệnh hỏi thăm tình trạng của mình, tôi đột nhiên ngã quỵ và khóc trên vai cô ấy. Lúc đó, tôi thực sự lo lắng vì virus này rất dễ lây lan và có thể dẫn tới tử vong. Bố mẹ tôi đều đã ngoài 80 và cần tôi chăm sóc. Nếu họ ngã bệnh trong khi tôi bị kẹt lại đây thì sao. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự động viên bản thân phải mạnh mẽ", Feng nhớ lại.
Trong những ngày đầu, Feng dùng một số loại thuốc chống virus và chống viêm. Hiệu quả rất tốt khi sức khỏe của cô cải thiện trông thấy, nhưng tình trạng phổi của nữ y tá lại xấu đi.
Ngày 5/2, cô làm thêm xét nghiệm và các bác sỹ nói cô đã âm tính với virus. Tuy nhiên, Feng không xuất viện ngay mà ở lại thêm vài ngày cho tới khi phổi trở lại bệnh thường. Tới tận 12/2, cô mới rời viện.
"Khi tôi lái xe trở về nhà, thế giới của tôi hoàn toàn khác. Tôi thấy thị trấn Hiểm Cẩm đã bị phong tỏa, chỉ có cảnh sát và nhân viên an ninh ở trên đường, kiểm tra người qua lại. Với tôi, nó cũng đánh dấu một khởi đầu mới của cuộc đời, một hành trình sống sót giữa đợt dịch bùng phát. Tôi đã khóc rất nhiều khi nhớ về thử thách này. Cảm giác được sống thật tuyệt diệu, sức khỏe thực sự là điều vô giá", cô chia sẻ.
Bình luận