• Zalo

Hành trình 47 năm tìm kiếm hai phi công máy bay MiG mất tích ở Tam Đảo

Thời sựThứ Hai, 01/10/2018 11:18:00 +07:00Google News

47 năm mất tích sau khi bay huấn luyện, thi thể hai phi công người Việt và người Nga được tìm thấy gần đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) sau nhiều nỗ lực tìm kiếm.

Thi thể hai phi công gần đỉnh núi Tam Đảo

Ngày 30/9, ông Đinh Đức Trọng - Chánh văn phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau chiến dịch tìm kiếm kéo dài nhiều năm, thi thể hai phi công hy sinh trong khi bay huấn luyện năm 1971 vừa được tìm thấy tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ông Trọng cho hay, hai phi công được xác định một là người Việt Nam và một là người Nga. Trong đó, một thi thể còn khá nguyên vẹn, thi thể kia chỉ còn lại một phần.

Di cốt được các đơn vị quân đội tìm thấy tại sườn núi Tam Đảo, thuộc xã Yên Mỹ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) sau chiến dịch tìm kiếm kéo dài hơn một năm.

Từ năm 2017, khi người dân địa phương tìm thấy mảnh vỡ của máy bay MiG-21U trên sườn núi Tam Đảo, Quân chủng Phòng không Không quân phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên lập sở chỉ huy tại chỗ, nhiều lần cử các đội đi tìm kiếm.

phi cong mat tich

Phi công Yuri Poyarkov và phi công Công Phương Thảo.

Ngày 30/4/1971, máy bay MiG-21 thuộc Trung đoàn không quân 921 trong khi bay huấn luyện trên bầu trời Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mất liên lạc và mất tích.

Trên máy bay khi đó có phi công trẻ Công Phương Thảo và huấn luyện viên, Đại úy không quân Liên Xô Poyarkov Yuri Nikolaevich. Ông từng là thầy dạy của rất nhiều phi công nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có phi công Phạm Tuân.

Đợt tìm kiếm cuối tháng 9 này, khoảng 50 người gồm bộ đội, dân quân và dân địa phương đào bới cách nhau 2m quanh khu vực người dân báo có mảnh vỡ máy bay. Dự tính lần tìm kiếm này kéo dài trong 10 ngày nhưng đến ngày thứ 5 đã tìm thấy thi thể 2 phi công.

Ngày 29/9, thi thể hai phi công đã được đưa về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên. Cơ quan chức năng đang xét nghiệm ADN, sau khi có kết quả chính thức sẽ tổ chức lễ tang cho các liệt sĩ.

47 năm tìm kiếm 2 liệt sĩ hy sinh

47 năm trước, đêm 30/4/1971, chiếc MiG-21U, máy bay huấn luyện quân sự, thuộc Lực lượng phòng không - không quân Việt Nam thực hiện chuyến bay huấn luyện tại bầu trời Vĩnh Phúc. Máy bay cất cánh từ sân bay Đa Phúc (bây giờ là sân bay Nội Bài).

Đây là bài huấn luyện phức tạp. Đỉnh Tam Đảo được bố trí lực lượng phòng không rất mạnh, cắt đuôi được máy bay truy đuổi, nên chiếc MiG-21U phải hạ thấp độ cao ngay từ đỉnh Tam Đảo.

Trong máy bay, có huấn luyện viên, đại úy Yuri Poyarkov, sinh năm 1933, đảng viên, trung đoàn phó không quân một đơn vị của Liên Xô, làm nhiệm vụ ở Việt Nam với vai trò phi công huấn luyện và phi công người Việt là Công Phương Thảo.

Công Phương Thảo là phi công trẻ, con của liệt sĩ, người Vĩnh Phúc. Phi công Thảo được cử sang Liên Xô học tập ở trường Hàng Không, và vừa về nước để phục vụ quân đội vào năm 1971.

XEM THÊM BÀI LIÊN QUAN TẠI ĐÂY:

Khoảng 22h đêm 30/4/1971, trời tối đen như mực, thời tiết mưa bão, chiếc máy bay gầm rú trên bầu trời, rồi đâm vào núi. Tiếng nổ phát ra vang vọng trong rừng sâu, không thể định vị được phương hướng.

Cuộc tìm kiếm diễn ra rất tích cực, nhưng không thành công.

Đau lòng hơn khi người thân trong gia đình phi công Công Phương Thảo không còn ai. Bố anh là liệt sĩ, mẹ lại mất sớm, anh Thảo lại chưa có vợ con, nên công tác tổ chức tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

roi may bay 3

Vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc, Việt Nam), nơi tìm thấy hài cốt của phi công Liên Xô Yuri Poyarkov mất tích. (Ảnh: Zvezda)  

Ba tháng sau, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất “Vì chiến công trong sự nghiệp ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược” và Huy chương “Đoàn kết vì chiến thắng giặc Mỹ” đối với Đại úy Yuri Poyarkov.

Dù phi công Poyarkov mất tích, nhưng gia đình ông vẫn cất giữ cẩn thận các thông tin về ông và vẫn mong mỏi tìm được. Đặc biệt, cô cháu gái người Nga của phi công là Anna Poyarkova không ngừng nỗ lực liên hệ với những người quen biết ở Việt Nam để hỏi tung tích ông.

roi may bay 1 3

 Mẫu vật quan trọng nhất mà nhóm tìm kiếm được từ vị trí máy bay rơi. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Thông tin tìm kiếm người chú của cô gái Nga thu hút sự quan tâm của một nhóm các kỹ sư Việt Nam khi sử dụng mạng xã hội. Họ đều là những người từng có thời gian học tập, công tác ở Nga.

Trong nhóm kỹ sư đó, có tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh (63 tuổi), nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự.

Lật lại các tài liệu ít ỏi, cùng với kiến thức của mình, tiến sĩ Nguyễn Lê Anh đưa ra các phân tích rất khoa học. Theo ông, thời gian bay tập thường là 10 phút, và sự cố xảy ra khi đã hoàn thành chuyến bay. Quá trình tập, MiG-21U thường bay ở độ cao 2.000-3.000m và trước khi hạ cánh máy bay phải được hạ độ cao 300 khi còn cách sân bay 10km.

Đối chiếu với dãy Tam Đảo, ông nhận định, máy bay có khả năng đâm vào núi ở độ cao 1.300m so với mặt nước biển. Đỉnh Tam Đảo có những ngọn núi cao 1.300-1.500m, nên khả năng đâm vào núi nếu thời tiết xấu, thiếu quan sát là dễ xảy ra. Địa điểm máy bay đâm vào núi sẽ ở khu vực Tây Bắc của dãy núi.

Sau khi nhóm tiến sĩ Nguyễn Lê Anh chuẩn bị thực địa, thì một người đàn ông tên Tuấn (quê ở Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết, thời điểm từ những năm 80 đến 90, có nhiều người ở xã Yên Mỹ tìm thấy nhiều mảnh nhôm, bộ phận của một chiếc máy bay rơi trong rừng Tam Đảo. Thậm chí, theo lời anh Tuấn kể, người dân còn vào mở lò nấu nhôm lượm được, đem cả đèn khò vào cưa vật liệu.

roi may bay 2 4

 Mảnh dù có chứa những mẩu xương nhỏ, đang được đem đi giám định. (Ảnh: Nam Nguyễn). 

Từ thông tin phân tích trên bản đồ, đối chiếu với lời kể của anh Tuấn, nhóm tiến sĩ Lê Anh đã quyết định vào rừng Tam Đảo tìm kiếm tung tích chiếc máy bay. Ngày 23/2, ông cùng 4 người bạn, nhờ 4 người dân am hiểu vùng rừng, biết địa điểm từng lượm được bộ phận máy bay, lên đường tìm kiếm.

Thời điểm đó trời mưa, giá rét, núi rừng rậm rạp, nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Mặc dù những người bản địa đi bộ lên địa điểm máy bay rơi chỉ mất nửa ngày, nhưng nhóm tìm kiếm phải mất đến ngày thứ 3 mới đến được khu vực máy bay rơi.

Thời điểm này, tất cả các dấu vết đều không còn gì cả, chỉ có cây rừng rậm rạp, trúc ken dày.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, bất ngờ tiến sĩ Anh tìm thấy đầu dây điện. Ông kéo mạnh thì bật lên một mảnh nhôm. Ông và đoàn tìm kiếm vỡ òa sung sướng, bởi mảnh nhôm với dây điện chìm dưới lớp lá mục, mùn đất đã chứng tỏ chắc chắn vị trí rơi của máy bay.

Từ mảnh nhôm này, một số chuyên gia hàng không bước đầu xác định là bộ phận của một chiếc MiG-21U, là loại máy bay huấn luyện, khác với MiG-21 là máy bay chiến đấu.

Xác định được vị trí, nhóm tìm kiếm mở rộng thêm địa điểm, rồi trở lại thêm một lần nữa, và tìm thêm được nhiều bộ phận của chiếc máy bay xấu số. Họ đã tìm được cả mảnh dù, dính những mẩu nhỏ nghi là xương người. Toàn bộ hiện vật đã được bàn giao cho Phòng Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng.

Xuân Trường
Bình luận