• Zalo

Hành động sau phát ngôn của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

Thời sựThứ Ba, 18/02/2014 08:27:00 +07:00Google News

Sau những phát ngôn cho thấy sự quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc kiểm soát chặt việc sử dụng vốn ngân sách, Thanh tra Bộ vừa cho biết, sẽ thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương.

Trước đó, Bộ cũng đã công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư.

Thanh tra hàng loạt dự án dùng vốn công

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện 9 cuộc thanh tra công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển bằng nguồn vốn nhà nước giai đoạn 2009 - 2013 và kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Tờ VOV cho biết, những địa phương lọt vào danh sách thanh tra nội dung này gồm có: Điện Biên, Nam Định, Hà Nam, Kiên Giang, Cao Bằng, Nghệ An, Bắc Cạn, Đắk Lắk và Tây Ninh.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ thực hiện kiểm tra công tác phân bổ và sử dụng vốn nhà nước tại một số bộ, ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và kiểm tra tình hình sử dụng vốn trong hoạt động đầu tư trong và ngoài ngành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).

Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ kiểm tra tình hình sử dụng vốn trong hoạt động đầu tư trong và ngoài ngành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương
Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ kiểm tra tình hình sử dụng vốn trong hoạt động đầu tư trong và ngoài ngành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Thái Bình.

Ngoài các nội dung trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện nhiều cuộc kiểm tra công tác đấu thầu tại Bộ Y tế và các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Nhi Trung ương; tình hình thực hiện đấu thầu và triển khai thực hiện gói thầu EPC tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), gói thầu EPC tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); kiểm tra công tác đấu thầu tại Bộ Thông tin và Truyền thông, kiểm tra công tác đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và hoạt động mua sắm thường xuyên tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiến hành kiểm tra dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài, như kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương; kiểm tra các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (điện tử, ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo) tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, vào ngày 13/1 tại Hội nghị lần thứ 7 Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng lưu ý rằng việc kiểm soát đầu tư công là rất cần thiết, nếu tiếp tục tình trạng này thì đất nước sẽ vỡ nợ.

"Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi không dám công bố với các vị số nợ là bao nhiêu. Nợ của những dự án đang dở dang vô cùng lớn, đã đến lúc cần thay đổi mặc dù các địa phương, bộ, ngành rất khó chịu” - ông Vinh nói.

Mạnh tay với doanh nghiệp FDI

Vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án.

Luật Đầu tư sửa đổi sẽ theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án.
Luật Đầu tư sửa đổi sẽ theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án.

Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao... Nút thắt trong thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cũng được tháo gỡ nhằm khắc phục tình trạng nhà đầu tư phải chuẩn bị trung bình 18 loại giấy tờ để triển khai dự án như hiện nay.

Giấy chứng nhận đầu tư sẽ được thay bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh đúng bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, không phải là nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án.

Đồng thời, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế mặt trái của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp.

Sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (3 năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp tạm ngừng vì lý do khách quan, dự án sẽ được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất.



Bình luận
vtcnews.vn