Ngày 30/5, tại Trung tâm Vui chơi - Giải trí Vietopia đã diễn ra cuộc thi Khoa học ứng dụng 2017- Lần I, thu hút đông đảo các em học sinh, thầy cô giáo đại diện đến từ các trường trên địa bàn TP.HCM và phụ huynh học sinh.
Trao đổi với VTC News, bà Sử Kim Ngân – Trưởng đại diện nhãn hàng LEGO Education đồng thời là Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Đây là lần đầu tiên, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần Việt Tinh Anh – nhãn hàng LEGO Education và kênh truyền hình HTV3 tổ chức kỳ thi “Khoa học ứng dụng 2017”.
Cuộc thi nhằm hướng đến sân chơi dành riêng cho các em trong độ tuổi Tiểu học (từ 6 – 11 tuổi) đam mê Khoa học vui WEDO (Phương pháp học tập liên môn S.T.E.M bao gồm Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Math)). Đồng thời tạo cơ hội cho các em giao lưu, thi đấu, nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học.
Bà Ngân cho hay thêm, thể lệ cuộc thi là tổ chức cho các em làm việc theo nhóm, mỗi nhóm từ 2 đến 3 em. Các đội tham dự yêu cầu phải có kỹ năng thiết kế, lắp ráp và lập trình robot bằng bộ công cụ LEGO Education WeDo 2.0 và WeDo 1.0, để nghiên cứu, tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến các tình huống thực tiễn do BTC đưa ra.
Thể loại thi đấu được chia làm 2 bảng: Bảng A với chủ đề “Giải cứu Gấu Bắc cực” (có 38 đội tham gia, cơ cấu giải không nằm trong khuôn khổ đi thi quốc tế, các đội thi đấu trên sa bàn) và bảng B xoay quanh chủ đề “Tìm hiểu động vật quanh em”(có 81 đội tham gia, các đội trưng bày và thuyết trình theo thứ tự bốc thăm.
Kết quả của cuộc thi sẽ chọn ra 2 đội tuyển có số điểm xếp hạng cao nhất của bảng B đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi First Lego League Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức vào tháng 7 sắp tới tại Sydney (Úc).
“Vì là năm đầu tiên được tổ chức nên chúng tôi lựa chọn các chủ đề liên quan đến các loài động vật gần gũi với các em như: Gấu, ong mật. Để có thể giải quyết tốt các tình huống yêu cầu các em phải có thời gian tìm hiểu về đặc tính, lối sống của loài động vật đó. Qua đó hình thành cho các em ý thức bảo vệ những loài động vật có ích, hay loài có nguy cơ bị gây hại cao. Bên cạnh đó là rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường sống của các em. Về kỹ năng, giúp các em có kỹ năng làm việc theo nhóm, kích thích trí sáng tạo và sự tự tin trong quá trình thuyết trình”, bà Ngân nhấn mạnh.
Các em Pham Mai Nhật Long, Hoàng Nam, Trần Quang (HS trường Tiểu học Tây Úc) hào hứng chia sẻ, “tụi con mất khoảng gần 2 tháng để tìm hiểu và hoàn thành mô hình chú robot trồng cây và cánh cửa cảm biến giúp bảo vệ loài ong mật khỏi sự tấn công của Gấu hay bất cứ loài vật nào khác".
Long mạnh dạn thuyết trình: “Chú robot trồng cây sẽ tự phát hiện khu đất trống và làm nhiệm vụ trồng bổ sung cây xanh, giúp khu rừng xanh hơn. Còn cánh cửa cảm biến, khi ong bay đến gần, cánh cửa có thể nhận dạng và tự mở cửa còn các loài khác bay đến cánh cửa sẽ đóng chặt lại ngăn chặn sự xâm phạm từ bên ngoài”.
Tương tự với mô hình tổ ong có cảm biến, Nguyễn Đoàn Gia Anh, Đặng Quốc Tuấn (HS trường Tiểu học Thiên Hội Dương) cho hay “như các bạn, tụi con cũng có ý tưởng làm cánh cửa cảm biến bảo vệ loài ong, đồng thời tụi con đưa ra ý sẽ xây dựng tổ ong trên cao, phần chân tổ theo hình trụ. Để bảo vệ cho tổ, tụi con sẽ bôi dầu mỡ ở phần chân tổ nhằm ngăn cản các loài động vật leo lên làm hại ong”.
Một số hình ảnh của cuộc thi:
Kết quả cuộc thi đấu, 2 giải nhất được chọn làm đại diện sang Úc tham dự kỳ thi Khoa học ứng dụng quốc tế thuộc về đội WellspringHANOI của trường Wellspring Hà Nội và đội Mushroom của Trường Quốc tế Canada.
Bình luận