• Zalo

Hàng trăm giáo viên ở Hà Nội có nguy cơ mất việc: Huyện Sóc Sơn nói gì?

Giáo dụcChủ Nhật, 04/08/2019 10:25:00 +07:00Google News

UBND huyện Sóc Sơn cho rằng 256 giáo viên hợp đồng trong danh sách kèm đơn kiến nghị đều không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.

Lo lắng trước kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) viết đơn kêu cứu, vì cho rằng họ sẽ gặp bất lợi với các sinh viên còn trẻ, với những chương trình đào tạo mới.

Về vấn đền này UBND huyện Sóc Sơn nhận được đơn kiến nghị trên do ông Đầu Xuân Đàm - giáo viên trường THCS Trung Giã, đại diện nhóm giáo viên hợp đồng đứng tên, kèm theo bản photo danh sách chữ ký giáo viên hợp đồng và Quyết định số 3455 ngày 28/6/2019 của UBND TP Hà Nội.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, đơn thư kiến nghị có 3 nội dung. Thứ nhất, xin xét tuyển đặc biệt cho 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện năm 2019 không qua thi tuyển theo Quyết định số 3455 ngày 28/6/2019.

1 3

Hàng trăm giáo viên hợp đồng đứng trước nguy cơ mất việc đến phòng tiếp dân của UBND TP Hà Nội để cầu cứu. 

Nội dung thứ hai, với những người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 2 của Nghị định 161/2018 của Chính phủ thì đề nghị Ủy ban Nhân dân xét tuyển đặc cách theo khoản a, mục 1, Điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Nội dung thứ ba, trong trường hợp cần thiết đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đối thoại trực tiếp với 256 giáo viên hợp đồng.

Trả lời những nội dung kiến nghị của giáo viên, theo UBND huyện Sóc Sơn, với nội dung thứ nhất về việc xét tuyển đặc cách; UBND huyện ban hành văn bản 1490/UBND-NV, trong đó yêu cầu hiệu trưởng các trường triển khai nội dung đến tất cả các giáo viên hợp đồng có 5 năm công tác; hướng dẫn kê khai, chuẩn bị tài liệu chứng minh, đối chiếu với toàn bộ hồ sơ cán bộ đối chiếu với điều kiện được xét đặc cách theo khoản 7 điều 2 nghị định 161/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các nhà trường 256/256 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách.

Thứ hai, Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực kể từ ngày thi hành 15/1/2019.

Điều 14 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 được sửa đổi thành khoản 7 điều 2 của Nghị định 161/NĐ-CP.

Thứ ba, Ủy ban Nhân dân huyện cho biết nhiều lần tổ chức họp triển khai quán triệt văn bản đến các giáo viên hợp đồng, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng để thực hiện công tác tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND huyện Sóc Sơn thông tin, huyện xác minh nhiều người có trong danh sách photo gửi kèm theo đơn có chữ ký của giáo viên hợp đồng nhưng không có nguyện vọng gửi đơn kiến nghị.

UBND huyên Sóc Sơn cho rằng, ông Đầu Xuân Đàm nhiều lần tự ý nhân danh 256 giáo viên hợp đồng gửi đơn khiến nghị lên các báo, đài và thành phố là không đúng quy định. Đồng thời, huyện đề nghị hiệu trưởng trường THCS Trung Giã tuyên truyền giáo dục để ông Đàm hiểu và chấp hành theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, rất nhiều giáo viên hợp đồng đến từ các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây có mặt tại trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để cầu cứu, mong có hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ giáo viên hợp đồng và những bất cập liên quan đến ngành giáo dục của địa phương.

Các thầy cô đang phải đối mặt với với việc sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/5/2019 theo các điều kiện xét tuyển viên chức của Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Cô Đặng Thị Nhung (giáo viên trường THCS Xuân Thu, Sóc Sơn) - 10 năm trong ngành giáo dục bức xúc: "Chúng tôi công tác lâu năm nhưng khi có Nghị định 29 lại không được xét. Nếu tinh giảm biên chế, chúng tôi là giáo viên hợp đồng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận thôi. Nhưng vấn đề là ở huyện vẫn thiếu, vẫn lấy thêm giáo viên chứ không phải thừa mới loại mình ra".

2

Cô giáo Xuân gạt nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình trước nguy cơ thất nghiệp. 

Chị Lê Thị Xuân (giáo viên trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức) cùng các giáo viên chung cảnh ngộ khác cũng đi tìm câu trả lời cho tương lai của mình. Chị cho biết với mức lương giáo viên hợp đồng 1.210.000 đồng, cuộc sống gia đình hiện rất vất vả, bấp bênh.

Chị Xuân chia sẻ trước nguy cơ mất việc, bản thân thử đi tìm việc làm tại công ty ở Hà Nội nhưng "chẳng ai nhận vì mình đã ngoài 40 tuổi rồi".

Bên lề kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 9/4, trả lời phỏng vấn của báo chí về việc Hà Nội có nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm, kinh nghiệm, chuyên môn tốt nhưng có thể sẽ gặp khó khăn trong đợt thi tuyển viên chức sắp tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết có thể xem xét xét tuyển với các trường hợp này.

Từ đó đến nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng của Hà Nội vẫn mong chờ phương án giải quyết cụ thể từ UBND TP Hà Nội, nhưng vẫn chưa nhận đươc câu trả lời của các cấp lãnh đạo thành phố.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn