Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/2.
Cả năm lỗ hàng nghìn tỷ đồng
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) cho biết, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên với 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Nếu tính trung bình mỗi cửa hàng 3 nhân viên, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tạo ra là khoảng 27.000 việc làm. Trung bình mỗi công nhân lương 10 triệu đồng, như vậy, mỗi tháng doanh nghiệp bán lẻ chi khoảng 270 tỷ đồng tiền lương cho người lao động.
Về việc kinh doanh, ông Tùng cho rằng tuy có lúc này lúc khác nhưng nhìn chung doanh nghiệp bán lẻ đã lỗ cả năm nay. "Thương nhân bán lẻ lỗ cả nghìn tỷ đồng. Thậm chí một số còn đứng trước nguy cơ rút giấy phép do không thể tiếp tục kinh doanh được. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của chúng tôi có hạn, trường hợp 9.000 doanh nghiệp bán lẻ xin dừng hoạt động thì chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, tác động đến nền kinh tế”, ông Tùng nói.
Tương tự, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, thời gian qua doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề kéo dài. Do vậy ông Tây đề xuất cần quy định chiết khấu tối thiểu xăng dầu và cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất 3 nguồn và cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ.
'Sẵn sàng chia sẻ chiết khấu nếu lãi'
Trong khi đó, chia sẻ về chiết khấu giá xăng dầu, ở góc độ thương nhân đầu mối, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần tham gia. Hiện nay, theo quy định thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày nhưng do công thức giá lấy giá biên độ quá mạnh nên nếu giá xuống thì tồn kho của doanh nghiệp rất lớn.
"Do đó, chúng tôi không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Việc điều chỉnh giá 7 hay 15 ngày không quan trọng bằng việc bao quát được hàng tồn kho của doanh nghiệp", ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Saigon Petro cho rằng: "Các doanh nghiệp bán lẻ phải hiểu trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, trách nhiệm với Nhà nước, các đại lý khác. Trong 6 tháng cuối năm 2022, chúng tôi lỗ rất nặng. Nếu có lãi chúng tôi sẵn sàng chia sẻ chiết khấu với các doanh nghiệp bán lẻ", ông nói.
Về vấn đề nhập khẩu xăng dầu, ông Thoại cho biết, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm nhập khẩu đủ xăng dầu nhưng việc nhập khẩu không phải dễ dàng khi mức giá rất cao, chênh lệch tỷ giá USD/VND rất lớn...
“Hiện nay có 33 đầu mối, nhưng để nhập khẩu xăng dầu về thực sự thời gian qua thì chỉ có 15 đầu mối. Nguyên nhân là không có tiền vì ngân hàng không cho vay. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xăng dầu về cũng không hề đơn giản, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu về phải chi trả bằng tiền USD với chênh lệch tỷ giá rất cao, trong khi bán hàng thì nhận về tiền đồng Việt Nam. Tôi đang lo lắng nếu cứ diễn ra như hiện nay thì chỉ 2 tháng nữa doanh nghiệp chúng tôi không chịu nổi. Nếu có lãi thì doanh nghiệp đầu mối sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp bán lẻ, còn chúng tôi kinh doanh cũng đang bị lỗ”, ông Thoại nói.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi đã hoạt động tương đối ổn định. Song ông Dũng kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, cũng như giữ quy định thời gian điều chỉnh giá theo Nghị định 83, tức là ở mức 15 ngày.
“Việc sửa theo 10 ngày gây ra nhiều bất cập trong điều hành giá như trùng ngày nghỉ, lễ, Tết”, ông Dũng dẫn chứng. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng cần quy định cửa hàng bán lẻ được lấy tối thiểu từ 3 nguồn.
Còn ông TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thì lại nêu câu hỏi, tại sao không để thị trường quyết định giá, tự do hóa giá cả?
“Tôi tin rằng nếu giá xăng dầu tự do hóa thì rất tốt, bởi thị trường thông minh hơn chúng ta nhiều. Đó chính là cách không làm méo mó thị trường. Chúng ta nên bỏ quỹ bình ổn giá, bỏ cách điều hành giá thời gian từ 7- 15 ngày để thị trường quyết định”, ông Cung nói.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lại cho rằng, chúng ta cần sửa nghị định kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước, sát với biến động thị trường, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước, người dân.
“Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, đầu vào quan trọng của nền kinh tế, mục tiêu kiểm soát CPI… Xăng dầu nhận được sự quan tâm của người dân trong việc điều hành. Với Việt Nam, xăng dầu ngoài đáp ứng chất lượng, an ninh năng lượng, thì công tác điều hành phải đáp ứng, giải quyết lo lắng kiểm soát CPI, đảm bảo nguồn cung. Do đó, quản lý xăng dầu luôn gắn với bài toán cạnh tranh, quản lý thị trường, bàn tay nhà nước đến đâu, nguồn lực của nhà nước dành cho mục tiêu kiểm soát, đảm bảo quản lý về xăng dầu, tính toán hài hòa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế đất nước”, ông Đông nói.
Bình luận