Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nội dung đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ.
Trả lời VTC News về đề xuất này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính) cho rằng để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu có nhiều ưu điểm nhưng cần chọn thời điểm phù hợp, nếu không sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực.
Cụ thể, khi doanh nghiệp được tự do nhập khẩu, phân phối, bán lẻ sẽ khiến giá trong nước cùng pha với thế giới, tăng tính cạnh tranh, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường...
Tuy nhiên, hiện nay xăng dầu nằm trong nhóm mặt hàng bình ổn giá, nên Nhà nước phải can thiệp vào để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Thứ nữa, dù có gần 40 doanh nghiệp đầu mối, nhưng thị trường vẫn phụ thuộc vào nhiều "ông lớn" như Petrolimex, PV Oil... nên rất khó có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Một khi các doanh nghiệp chiếm thị phần thống lĩnh "bắt tay" nhau thì giá xăng dầu sẽ khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
"Kinh tế thị trường là để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về cơ quan quản lý để giám sát. Khi đó giá bán sẽ do thị trường quyết định...Nhưng trong bối cảnh hiện nay Nhà nước vẫn phải can thiệp để bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, hiện Việt Nam đang hướng đến xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhưng không thể vì vậy mà buông nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.
“Việc điều hành giá xăng dầu từng bước tiến đến tự do hóa ở một số khâu, phân khúc thị trường chứ không phải toàn bộ thị trường xăng dầu”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Kinh tế thị trường là để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về cơ quan quản lý để giám sát.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh, nên chưa thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định.
Đánh giá về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Long cho rằng chúng ta đã điều hành giá xăng dầu khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá thế giới đến giá trong nước. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới. Tuy nhiên, việc điều hành giá cần có phương án để tiệm cận giá thế giới.
“Trong điều hành giá, chúng ta không nên dùng quá nhiều các biện pháp can thiệp vào thị trường. Với xăng dầu phải điều hành theo sát giá thị trường thế giới. Nếu khoảng cách giữa hai kỳ điều chỉnh giá quá dài thì có thể dẫn đến lệch pha, không theo kịp với diễn biến giá xăng dầu thế giới”, ông Long nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện nay giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ. Việc chưa để giá xăng dầu do thị trường quyết định cũng khiến việc quản lý thị trường này thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao nhất.
“Nhà nước nên kiểm soát bằng các công cụ như thuế, phí… chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay”, TS Trinh nói và cho biết khi giá xăng được “thả nổi”, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.
Vẫn theo ông Trinh, chúng ta đã có quy định pháp luật về cạnh tranh, về giá…nên không lo việc “thả nổi” giá xăng dầu thì không quản lý được thị trường này. Trái lại, khi thị trường được tự do sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào thị trường.
“Thực tế chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, người dân sẽ càng được lựa chọn dịch vụ tốt và giá rẻ nhất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy hạ giá thành, giá bán lẻ, chứ không phải sẽ rơi vào hỗn loạn hay tăng giá”, ông Trinh nhận xét
Tuy vậy, chuyên gia cũng cho rằng việc thả nổi xăng dầu khó thực hiện ngay được do thị trường còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước vẫn nắm thị phần chi phối.
Thực tế chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, người dân sẽ càng được lựa chọn dịch vụ tốt và giá rẻ nhất.
TS Bùi Trinh
Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, VCCI nêu nhiều ý kiến, trong đó có việc doanh nghiệp được tự quyết giá bán.
VCCI cho rằng nên để doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát. Khi giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Việc này sẽ tuân theo quy định của Luật Giá và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước nếu không cần thiết.
Nói về lý do ủng hộ phương án này, VCCI cho biết, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.
"Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu (các vấn đề này sẽ được phân tích ở phần sau) và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu", VCCI nêu quan điểm.
Bình luận