• Zalo

'Hang quan tài' ở miền tây xứ Thanh

Thời sựThứ Bảy, 31/08/2013 07:47:00 +07:00Google News

Hang Co Phày chót vót trên núi cao, chứa hàng trăm bộ quan tài gỗ đã đặt ra nhiều câu hỏi bí ẩn đến giờ chưa có lời giải đáp

Những hang Phi, hang Lũng Mu, hang Cáng, hang Ké, hang Co Phày chót vót trên núi cao, chứa hàng trăm bộ quan tài gỗ đã đặt ra nhiều câu hỏi bí ẩn đến giờ chưa có lời giải đáp cùng những câu chuyện đậm màu huyền bí, liêu trai.

Những hang ma bí ẩn

Hang Lũng Mu, hay còn gọi là hang Ma, thuộc địa phận bản Khằm, xã Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm bên con sông Luồng. Đứng bên này sông có thể nhìn thấy cửa hang Ma nằm giữa lưng chừng núi. Để lên được hang Ma, bắt buộc phải thuê người chèo thuyền độc mộc bơi một đoạn khá dài qua con sông Luồng trong mùa mưa lũ nước dâng cao, cuộn chảy đục ngầu.

Rất nhiều hang động có chứa quan tài tài gỗ.
Rất nhiều hang động có chứa quan tài gỗ.
Sang bên kia bờ sông, sau một hồi vượt rừng, leo trèo vất vả, chúng tôi cũng lên được cửa Lũng Mu. Ngay cửa hang đã thấy quan tài gỗ nằm la liệt, với nhiều hướng khác nhau, nhưng chỉ có vỏ, không chứa di cốt bên trong. Quan tài được đục rỗng từ những thân cây gỗ cứng như lim, lát, sến.

Một cơn gió lạnh thổi ra từ trong lòng hang làm sống lưng chúng tôi lạnh ngắt, trán toát mồ hôi. Hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh, chúng tôi soi đèn pin, dò dẫm thận trọng bước vào lòng hang. Bên trong hang rộng chừng 70-100m, chứa khá nhiều quan tài gỗ, nhưng đa số đã bị mục nát hư hại, nằm ngang dọc, nhiều cỗ bị mối, mọt gặm nát vun thành từng đống.
Quan tài được bày tràn lan khắp hang Lũng Mu, bản Khằm, xã Hồi Xuân.
Quan tài được bày tràn lan khắp hang Lũng Mu, bản Khằm, xã Hồi Xuân. 
Đến cuối hành lang, lòng hang chợt thu hẹp lại, có một lối nhỏ vừa người chui qua. Dưới ánh đèn pin le lói, chúng tôi phát hiện thêm tầng thứ hai của hang Ma. Ở tầng này lòng hang không rộng lắm, chỉ khoảng 30-40m, bên trong có chứa nhiều cỗ quan tài bằng gỗ còn khá chắc chắn, nhiều cỗ quan tài còn có cả nắp đậy, nhưng không phát hiện thấy hài cốt hay những vật dụng chôn theo người chết.

Cuối tầng hang thứ hai lại xuất hiện một cửa hang nhỏ dẫn xuống tầng hang thứ ba và cũng là tầng hang cuối cùng rộng hơn 50m. Tầng hang này có nhiều cỗ quan tài còn khá nguyên vẹn, có lẽ đây là tầng hang mà quan tài được đưa vào muộn nhất nên còn khá mới, có nhiều cỗ quan tài ước chừng nặng đến 100kg.

Rời hang Lũng Mu, chúng tôi được anh Cao Xuân Nhã dẫn đường đến hang Phi tại bản Bút, xã Nam Xuân. Theo tiếng địa phương, Phi có nghĩa là ma, hang Phi cũng chính là hang Ma. Cũng như hang Lũng Mu, trước cửa hang Phi có khá nhiều cỗ quan tài gỗ đã mục nát, phải rất vất vả mới leo lên được cửa hang. Bên trong hang Phi có khá nhiều quan tài gỗ, nhưng không nhiều bằng hang Lũng Mu.
 Anh Cao Xuân Nhã (phải ảnh) - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, người dẫn đường về hang Phi.
Anh Cao Xuân Nhã (phải ảnh) - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, người dẫn đường về hang Phi.
Hang Phi và hang Lũng Mu hiện đang nằm trong cụm di tích bảo tồn Hồi Xuân, trong đó hang Lũng Mu giữ kỷ lục có nhiều quan tài nhất với hàng trăm bộ. Hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê hết trên địa bàn huyện Quan Hóa có bao nhiêu hang đá có chứa quan tài gỗ, riêng xã Nam Xuân có hang Phi, xã Hồi Xuân có các hang Lũng Mu, hang Cáng, hang Sờ, hang Ké, hang Co Phay, hang nào cũng chứa ít nhất vài ba bộ quan tài gỗ.

Huyền bí hang Ma

Xung quanh hang Lũng Mu có khá nhiều câu chuyện liêu trai, huyền bí được người dân thêu dệt. Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Hồng Sơn - 62 tuổi, Ttrưởng bản Khằm, xã Hồi Xuân. Ông Sơn khẳng định: “Ở đây bất kỳ hang động nào cheo leo giữa vách núi đều có quan tài gỗ, chỉ có điều ít hay nhiều mà thôi”.
Trưởng bản Khằm, xã Hồi Xuân, nơi có hang Lũng Mu cho hay, xưa kia hang có tên là hang Phi Bài (có nghĩa là ma rừng) sau đổi tên thành Lũng Mu (có nghĩa thung lũng có nhiều lợn lòi về trú ẩn) cho đỡ rùng rợn.
Trưởng bản Khằm, xã Hồi Xuân, nơi có hang Lũng Mu cho hay, xưa kia hang có tên là hang Phi Bài (có nghĩa là ma rừng) sau đổi tên thành Lũng Mu (có nghĩa thung lũng có nhiều lợn lòi về trú ẩn) cho đỡ rùng rợn. 
Kể về hang Lũng Mu – hang có nhiều quan tài nhất – ông Sơn cho biết: “Ngày xưa hang Lũng Mu có tên gọi là hang Phi Bài, theo tiếng địa phương có nghĩa là “ma rừng”. Cái tên đó nghe rùng rợn quá, nên sau này đổi tên thành hang Lũng Mu cho đỡ sợ, nhưng cũng có nguyên nhân của nó, vì lúc này có nhiều lợn lòi về trú ngụ trong thung lũng. Hang Lũng Mu có nghĩa là hang “lợn lòi” (Lũng: Thung lũng, Mu: Lợn lòi).

Trước kia, khi còn tên cũ là Phi Bài, người dân nơi đây thường nhắc đến ma “Phi Khảm Băng” hay còn gọi là ma chài lưới. Đã có rất nhiều người đánh cá trên sông Luồng từng bắt gặp “Phi Khảm Băng”. Ông Sơn cho hay: “Nhiều người đánh cá trên thuyền nghe tiếng ném vó ầm ầm xuống nước cách thuyền mình không xa, nước tung bọt trắng xóa, nhưng khi lại gần thì không thấy có ai, lúc đó mới biết mình bị ma chài lưới dọa. Sau này khi đã đổi tên thành hang Lũng Mu, ma chài lưới không thấy xuất hiện nữa”.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng vào buổi chiều tà, có người vẫn thấy có hai cô gái mặc áo trắng ngồi chải tóc trên bến sông, hay nhiều đêm sáng trăng người ta vẫn nghe rõ tiếng hò hét gào thét, tiếng binh khí, tiếng cồng xung trận... Có người nói đó là tiếng xung trận của nghĩa quân Lam Sơn chống lại giặc Minh xâm lược.

Đi tìm người trong hang

Việc hàng trăm cỗ quan tài được đưa lên an táng trong hang đá lạnh lẽo nằm chơi vơi trên vách núi đã trở thành một câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học. Họ đưa ra kết luận đó là hình thức huyền táng hay hang táng, chôn cất người đã khuất trên hang động núi cao của người xưa.
Thân quan tài và nắp quan tài được đục từ cây gỗ lớn.
Thân quan tài và nắp quan tài được đục từ cây gỗ lớn. 
Tuy nhiên, việc chuyển được những cỗ quan tài nặng cả trăm cân lên vách núi đá dựng đứng đã làm đau đầu các nhà khoa học, họ không thể giải thích được người xưa đã dùng kỹ thuật nào để đưa những cỗ quan tài gỗ nặng nề lên hang động cao vút bên núi kia. Có ý kiến cho rằng rất có thể người xưa đã leo lên đỉnh núi, dùng dây rừng buộc chặt vào quan tài rồi thả dây từ đỉnh núi xuống cửa hang. Ở đó đã có một người đứng trực sẵn, chỉ việc dùng tay kéo quan tài vào trong hang.

Nhưng cách giải thích trên không hợp logic, vì cửa hang nằm vát theo vách núi, lại ở sâu bên trong, nếu đưa quan tài xuống, quan tài sẽ treo lơ lửng bên ngoài, khó có thể tiếp cận để kéo vào phía trong hang. Một giả thuyết khác được đặt ra là nước sông Mã, sông Luồng dâng cao nên con người lợi dụng sức nước đưa quan tài gỗ vào trong hang. Cách giải thích này vẫn không hợp lý, vì nó chỉ phù hợp với hang Phi có vị trí thấp, riêng hang Lũng Mu cao vút trên đỉnh núi thì giả thuyết chờ nước dâng cao lên rồi đưa quan tài vào trong hang là không thể có.

Câu trả lời được tạm thời chấp nhận là người xưa đã làm sẵn quan tài ở dưới đất, sau đó lần lượt đưa phần thân và phần nắp quan tài gỗ nặng nề lên cửa hang, thi thể người chết sẽ được mang lên cuối cùng. Khi tất cả đã được đưa lên hang, lúc này mới tiến hành cho thi thể người chết vào quan tài rồi đậy nắp, đưa vào trong hang. Người chết đã về nơi an nghỉ cuối cùng trong hang đá sẽ tránh xa cuộc sống phàm trần, ở đó họ không bị quấy rầy hay bị thú dữ đào xác, hang động cao chót vót trên đỉnh núi sẽ làm người chết mau siêu thoát về với cõi trời.

Như cách giải thích đơn giản của ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng bản Khằm: “Có lẽ người xưa lấy gỗ trong rừng về, sau đó đục sẵn thành quan tài rồi mang lên hang để sẵn, khi nào có người qua đời chỉ việc mang thi thể lên hang rồi lấy quan tài lắp lại, bằng chứng là trong hang nhiều vỏ quan tài hoàn toàn trống rỗng, rất ít quan tài có chứa di cốt bên trong”.
Bát cổ được để trong quan tài gỗ.
Bát cổ được để trong quan tài gỗ. 
Ngoài câu hỏi về cách người xưa đưa những cỗ quan tài nặng chịch lên hang đá cao, người ta còn tò mò không hiểu “những người được chôn cất trong hang đá là ai? Liệu họ có phải người bản địa không?”. Chúng tôi đã tìm gặp ông Hà Văn Tuyên -Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Quan Hóa. Trong câu chuyện, ông cho biết: “Hiện giờ vẫn chưa khẳng định được liệu đó có phải là người dân bản hay một tộc người đã sống ở đây rồi chuyển đi nơi khác”.

Có nhiều giả thuyết cho rằng nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược năm xưa chính là chủ nhân của những cỗ quan tài trên núi cao kia. Rất có thể trong một trận đánh, nghĩa quân đã bị giặc Minh bao vây, dồn từ sông Mã lên, đánh từ Hòa Bình xuống, tạo thành một gọng kìm tại chân núi hang Phi làm nghĩa quân hy sinh khá nhiều. Sau khi quân Minh rút lui, những người còn lại đã an táng đồng đội ngay trong hang trên núi cao để tránh quân Minh quay lại đào mộ trả thù. Cách giải thích này cũng khá hợp lý khi đem so sánh với những câu chuyện hiện đang lưu truyền ở địa phương.

Ông Tuyên cho biết thêm: “Trước kia, khi khu di tích Hồi Xuân được đưa vào xây dựng, khu nghĩa địa dưới chân núi hang Phi nằm trong diện buộc phải giải tỏa. Nhưng khi khai quật lên, có một điều khá bất ngờ là bên trong tất cả các ngôi mộ không có bất kỳ bộ hài cốt nào, chỉ thấy toàn than đen và tro. Theo phán đoán của các cơ quan chuyên môn, rất có thể đây là khu mộ giả của nghĩa quân Lam Sơn đã tử trận khi xưa nhằm đánh lừa giặc Minh”.


Theo Lao động

Bình luận
vtcnews.vn