Từ trước đến nay, nhắc tới địa điểm ăn trưa của dân văn phòng TP.HCM, nhiều người thường nghĩ tới những quán ăn có không gian rộng rãi, sức chứa tới cả trăm người.
Song, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, các hàng quán có sức chứa từ 30 người trở lên phải đóng cửa (từ tối 24/3 đến 31/3) khiến thói quen ăn uống của dân văn phòng buộc phải thay đổi theo.
Theo khảo sát của PV VTC News trưa 26/3, những nhà hàng, quán ăn, quán cafe nằm cạnh các cao ốc đều đóng cửa. Hình ảnh một vài người mặc đồ công sở, đi bộ vài cây số để tìm quán cơm vỉa hè là điều "xưa nay hiếm" ở một thành phố sôi động như TP.HCM.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh) cho biết, hiện chị và tất cả đồng nghiệp đang khá đau đầu trong việc giải quyết phương án ăn trưa, khi các quán ăn quen đều đã đóng cửa.
"Vì tính chất công việc, dân văn phòng chúng tôi chỉ được nghỉ trưa khoảng 1 tiếng rưỡi, nên chúng tôi thường ăn trưa ở các quán ăn gần công ty. Thế nhưng, từ hôm qua thì quán cơm chúng tôi thường ăn là Cơm tấm Phúc Lộc Thọ đã treo biển thông báo tạm nghỉ bán, chỉ bán đơn hàng mua mang đi nên vấn đề ăn trưa cũng trở nên khó khăn. Không chỉ Phúc Lộc Thọ, mà các hàng quán gần công ty đều đóng cửa hết", chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, trước tình hình này, bản thân chị phải thay đổi thói quen ăn uống bằng cách dậy sớm, nấu đồ ăn và bỏ vào hộp mang đi. Còn đối với các đồng nghiệp nam, họ bắt đầu đặt đồ ăn trên các app giao hàng, số khác chấp nhận ăn những quán vỉa hè, hoặc đi thật xa để tìm quán mở cửa.
"Việc dậy sớm nấu đồ ăn không hề dễ, chưa kể đến đồ ăn nấu từ sáng để đến trưa thì nguội và khó ăn. Tôi chỉ mong mùa dịch này sớm kết thúc, chứ đi làm đã mệt, nay còn loay hoay xử lý việc ăn uống nữa thì rất mệt mỏi", chị Hạnh thở dài.
Tương tự, anh Đào Công Anh (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho biết, chưa bao giờ việc ăn trưa trở nên phức tạp đối với anh như thời điểm này.
"Chỉ là đi ăn trưa thôi nhưng không hề có quán nào mở cửa, chúng tôi buộc phải đặt về công ty. Thế nhưng, công ty máy lạnh, mang đồ ăn vào mùi ám rất khó chịu, cảm giác không giữ vệ sinh chung thấy không ổn chút nào.
Không sử dụng được phương án đặt đồ ăn về, tôi phải chọn cách chạy xe 4km để đến quán cơm tấm vỉa hè, buộc phải ngồi ngoài vỉa hè nắng gắt để ăn dĩa cơm tấm 25.000 đồng, thật khó khăn", anh Anh cho hay.
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên các hội nhóm mạng xã hội, cũng có rất nhiều bà nội trợ chia sẻ những hộp cơm trưa giữa mùa dịch Covid-19. Đây không phải là trào lưu mới, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nguy hiểm, phong trào này đang phổ biến trở lại.
Theo đại diện của thương hiệu cơm tấm Phúc Lộc Thọ, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc kinh doanh của hệ thống cũng chững lại như bao hàng quán ăn uống khác. Đặc biệt, từ thời điểm TP.HCM liên tiếp phát hiện ca nhiễm mới, thì doanh thu của quán "lao dốc".
Tuy nhiên, theo vị đại diện này, dù tình hình khó khăn, song để phục vụ và giúp dân văn phòng giải quyết bài toán "trưa nay ăn gì", chuỗi cửa hàng vấn tiếp tục nhận những đơn online hoặc mua mang đi.
Video: Chuỗi nhà hàng "gồng mình" chống Covid-19
Bình luận