Thoái vốn khỏi các ngân hàng nhỏ dường như đang là nhiệm vụ bất khả thi với nhiều tổ chức lớn. Suốt thời gian qua, nhiều cổ phần của các ngân hàng nhỏ ế ẩm đã chứng minh điều này.
Tài sản của Vietinbank đắt khách
Mặc dù được chào bán dưới mệnh giá nhưng cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) và ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đều bị nhà đầu tư quay lưng.
Trong đó, chỉ duy nhất TPBank tổ chức được phiên đấu giá, 3 ngân hàng còn lại đều lỗi hẹn vì không nhà đầu tư nào đặt mua cổ phần.
Chính vì vậy, cuối tháng 5/2016, khi ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) công bố kế hoạch bán bớt vốn của mình tại ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - SGB), nhiều người lo ngại tình trạng ế ẩm lại tiếp diễn.
Cụ thể, thực hiện theo quy định của Thông tư 36, ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5%, Vietinbank thực hiện thoái vốn từ 10,39% về mức dưới 5% tại Saigonbank.
Vietinbank đăng ký bán đấu giá gần 17 triệu cổ phần SGB, chiếm 5,48% vốn Saigonbank để giảm sở hữu xuống 15,1 triệu cổ phần, ứng với 4,91% vốn. Giá khởi điểm là 10.800 đồng/CP, cao hơn khá nhiều so với giá chào bán của SCB, OCB, TPB và Seabank trước đó.
Tuy nhiên, ngược lại với lo ngại của nhiều người, cổ phiếu SGB do Vietinbank nắm giữ không những không ế ẩm mà còn đắt như tôm tươi.
Mới đây, công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) đã thông báo về kết quả đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của Vietinabank tại Saigonbank. Theo VietinBankSc, số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần là 10 nhà đầu tư cá nhân và không có nhà đầu tư tổ chức nào đăng ký tham gia.
Điều đặc biệt, tổng số lượng cổ phần đăng ký mua của 10 nhà đầu tư lên tới 67,5 triệu cổ phần, nhiều gấp 4 lần số lượng cổ phần VietinBank bán đấu giá công khai. Vì vậy, phiên đấu giá chắc chắn sẽ được tổ chức vào ngày 24/6 tới đây như kế hoạch.
Vì sao “tài sản” của Vietinbank đắt khách?
Phần tài sản của Vietinbank tại Saigonbank đang được nhà đầu tư đánh giá là có giá trị. Saigonbank được quan tâm dù trong năm 2015, ngân hàng chưa có nhiều bước tiến về lợi nhuận. Dù vậy, một số cải thiện lớn trong những chỉ tiêu kinh doanh đã giúp Saigonbank nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư.
Trong đó, huy động vốn và tín dụng là hai hoạt động mà Saigonbank gặt hái được nhiều thành công lớn. Đến ngày 31/12/2015, vốn huy động tại Saigonbank là 14.088 tỷ đồng, tăng 16,77% so với thời điểm đầu năm.
Saigonbank lý giải rõ hơn về thành công này: “Thành công trong công tác huy động năm 2015 tăng trưởng nguồn vốn huy động theo hướng bền vững, từng bước tạo sự cân đối hợp lý về kỳ hạn, cân đối hợp lý giữa nguồn vốn – sử dụng vốn. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi giảm từ mức 88,63% vào cuối năm 2014 xuống còn 79,18% vào cuối năm 2015”.
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng tại Saigonbank có tốc độ chậm hơn huy động vốn. Tại thời điểm cuối năm 2015, dư nợ cho vay của Saigonbank là 11.612 tỷ đồng, tăng 3,38% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu giảm mạnh khiến nợ nhóm 1 chiếm tỷ lệ rất cao 94,43%. Điều này có được là do trong năm 2015, Saigonbank kiểm soát khá tốt về mặt chất lượng tín dụng.
Năm 2015 cũng là năm chứng kiến nguồn vốn và tài sản của Saigonbank tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm, tổng nguồn vốn của Saigonbank là 17,749 tỷ đồng, tăng 1.925 tỷ đồng, tương ứng 12,17% so với đầu năm.
Sang năm 2015, Saigonbank cũng đặt ra một số chỉ tiêu tham vọng như: tổng tài sản đạt 20.900 tỷ đồng, tăng 14%, tổng dư nợ cho vay đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 10%, vốn huy động đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015.
Bình luận