Dịp đầu năm mới 2022, vẫn còn hàng nghìn lái xe chở nông sản bị mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn. Trong khi chỉ còn một tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán, các tài xế rất mong ngóng ngày trở về đoàn tụ với gia đình để đón năm mới.
Chia sẻ với VTC News, anh Nguyễn Văn Long - một tài xế quê Hưng Yên - cho biết, anh điều khiển xe chở 24 tấn mít từ Cái Bè (Tiền Giang) lên Lạng Sơn từ ngày 8/12 và mắc kẹt tại đây gần tháng trời. Ngày 30/12, cả nửa xe mít của anh bị thối hỏng nên anh Long phải quay đầu về dưới xuôi với mong muốn bán được quả nào thì bán. Gần một tháng nằm chờ, anh Long phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn.
"Ngay sau khi đưa xe lên tập kết trong bãi, chúng tôi được lực lượng biên phòng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sau đó tự túc sinh hoạt bên trong bãi xe, không được phép ra ngoài để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Những ngày đầu, anh em tài xế đến từ phía Nam đã chuẩn bị sẵn đồ dùng trước đó nên họ tự nấu ăn, còn cánh tài xế miền Bắc sẽ mua những suất cơm hộp bán rong trong bãi xe. Nhưng thời gian nằm chờ quá lâu, mua đồ ăn thức uống trong đó thì rất đắt, những ngày sau tài xế miền Bắc cũng phải đi mua xoong nồi, mắm muối về tự nấu cho tiết kiệm chi phí" - anh Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, tài xế Long cho biết, khi đưa xe hàng lên biên giới thời tiết vẫn còn khá ấm áp nên anh và nhiều tài xế khác đều chủ quan chỉ mang theo bên mình những bộ quần áo cộc. Những ngày cuối năm, thời tiết Lạng Sơn bắt đầu trở lạnh, có những hôm nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 6 đến 7 độ. Anh và rất nhiều tài xế đều phải gói mình trong những chiếc chăn mỏng, ngồi co ro trong ca bin xe để chống chịu với cái lạnh cắt da cắt thịt.
"Ở đây người ta không bán quần áo, hơn nữa chúng tôi cũng không thể ra ngoài do đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nếu lạnh quá thì chỉ có thể pha bát mỳ tôm ăn cho ấm người hơn thôi" - tài xế Long kể.
Không những phải chịu cảnh đói rét, tạm bợ, các tài xế tại đây còn gặp vô vàn khó khăn như phải đi bộ 500m để tắm rửa với mức 20.000 đồng cho một lần tắm. Tuy nhiên, do có tới hàng nghìn tài xế đang sinh hoạt tại đây, nên những chỗ tắm luôn quá tải, các tài xế đều phải nhịn tắm từ 2 đến 3 ngày.
Theo anh Long, 22 ngày đêm mắc kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh, anh đã chi ra hơn 11 triệu đồng chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống mà chưa kể tới mức chi phí đổ dầu cho xe lên tới 2 triệu đồng một ngày.
Giọng chán trường, anh Long chia sẻ: "Tôi vàcác anh em khác chỉ mong có thể xong chuyến hàng này để về nghỉ đón Tết chứ không ai muốn chạy tiếp nữa".
Cùng tâm sự với anh Long, tài xế Bùi Văn Luân chở xe hàng nhãn từ cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) về Lạng Sơn cho biết, anh đã mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được 42 ngày. Sau nhiều ngày nhận thấy hàng hóa khó có thể thông quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn, anh Luân đánh xe về khu vực các cửa khẩu biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), tuy nhiên tình hình không khả quan hơn, anh vẫn tiếp tục phải nằm chờ.
"Mình lên tới biên giới Lạng Sơn, thấy bên Trung Quốc siết chặt việc nhập hàng, biết phải nằm chờ là anh em đã rủ nhau mua xoong nồi, dụng cụ nấu ăn về tự nấu với nhau cho rẻ và chất lượng. Mình được công ty hỗ trợ 200.000 đồng tiền ăn 1 ngày, bên cạnh đó, 3 ngày phải test COVID-19 một lần. Ngoài ra còn tiền dầu, tiền bãi đỗ xe. Chi phí cho hơn 40 ngày nằm chờ ở đây đã lên tới một con số rất lớn" - anh Luân chia sẻ.
Mới đây, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, nắm được tình hình khó khăn của các tài xế đang mắc kẹt, tỉnh đã giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu Tân Thanh, giảm 20% giá dịch vụ xe ra, vào bến xe đối với tất cả các loại phương tiện từ 25/12/2021 đến 31/3/2022.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên cũng hỗ trợ giảm giá dịch vụ phương tiện vận tải lưu ngày/đêm tại bến xe hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Tân Thanh cho các doanh nghiệp từ 20%-70%; phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh cung cấp miễn phí nước sạch đóng bình và mì ăn liền cho toàn bộ lái xe trong trong thời gian xe hàng bị ùn ứ ở cửa khẩu.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cũng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp tổ chức chương trình tặng quà, hỗ trợ cho các lái xe nước uống, bánh chưng, lương khô, xúc xích...
Được biết, tính đến ngày 31/12, tổng lượng xe tồn tại tỉnh Lạng Sơn còn hơn 2.900 xe, giảm 191 xe so với một ngày trước đó. Nguyên nhân chính do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.
Bình luận