Theo The Guardian, người Phần Lan vốn tự hào vì đây là nơi từng tổ chức những hội nghị thượng đỉnh quan trọng bậc nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Dù vậy nhiều người có thể không còn cho Helsinki là “vùng đất trung lập” khi những người biểu tình xuống đường ngày 15/7 để phản đối cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki.
Khoảng 2.500 người biểu tình ủng hộ quyền con người, dân chủ và môi trường ở Helsinki ngày 15/7 với các khẩu hiệu “tạo hòa bình, không chiến tranh”, “chào đón người tị nạn”, “khiến nhân quyền vĩ đại trở lại”, theo Reuters.
“Không chào mừng” – dòng chữ viết trên một tấm biển của người biểu tình, với hình ảnh minh họa ông Trump và ông Putin gặp nhau. “Không có cảm giác tốt khi họ ở đây” – Anna Bruun, một nhân viên công chức nói cô phản đối “chính trị của các thế lực lớn” hoạt động ở thành phố quê nhà.
Trong khi đó, tờ báo lớn nhất Phần Lan đăng quảng cáo tiếng Anh và tiếng Nga trên phố với thông điệp: “Ngài Tổng thống, chào mừng đến với mảnh đất tự do báo chí.”
Theo The Guardian, Helsinki thường có vai trò như cầu nối quan trọng giữa Liên Xô và Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Thành phố này là nơi ký kết Hiệp ước Helsinki 1975 – trong đó các cựu lãnh đạo hai bên Gerald Ford và Leonid Brezhnev kêu gọi tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và quyền con người. Một hội nghị thượng đỉnh nổi bật khác có sự tham gia của các cựu lãnh đạo George Bush và Mikhail Gorbachev năm 1990, Bill Clinton và Boris Yeltsin năm 1997.
“Tôi ủng hộ đối thoại mở” – Hemmo Siponen, một người biểu tình cho biết. “Nhưng đó phải là đối thoại công khai. Tôi không muốn những cuộc đối thoại bí mật được tổ chức ở đây”.
Bên cạnh đó, cũng có một nhóm nhỏ tổ chức buổi diễu hành ủng hộ Tổng thống Trump tại Helsinki. Thị trưởng Jan Vapaavuori cho biết không lo lắng về các cuộc biểu tình này vì Phần Lan có truyền thống biểu tình hòa bình.
Video: Hàng trăm nghìn người phản đối Tổng thống Trump ở London
Bình luận