Trong buổi họp báo về vụ học sinh trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) chết thương tâm vì bị bỏ quên trong xe ô tô, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận không có trường “quốc tế” mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài. Việc có thêm chữ quốc tế là trường tự gắn để thu hút học sinh.
Thực tế, trong các văn bản pháp luật không hề có bất cứ loại hình trường nào là trường quốc tế. Luật Giáo dục cũng không có quy định trường đảm bảo những yếu tố nào, cấp bằng ra sao là trường quốc tế.
Không chỉ Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác cũng "vô tư" gắn mác như vậy nhiều năm qua, nhưng chưa bị "tuýt còi".
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), trường quốc tế phải có giáo viên người nước ngoài, có đội ngũ học viên người ngoại quốc, nhà đầu tư ngoại quốc, có chi nhánh ở toàn cầu với các chương trình giáo dục chất lượng và được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế.
"Những trường hiện gắn mác quốc tế đều là những trường có yếu tố nước ngoài có thể gồm vốn của nước ngoài một phần, cán bộ quản lý giáo viên có thành phần người nước ngoài, chương trình giáo dục liên kết...
Việc một số trường có yếu tố nước ngoài gắn mác quốc tế mà không có đặc trưng quốc tế là vi phạm về luật quảng cáo và quy định của ngành giáo dục...lừa người dân thiếu thông tin. Trách nhiệm về việc một số trường để tên quốc tế thuộc về Sở GD&ĐT chứ không phải của Bộ GD&ĐT", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Lê Thống Nhất cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần xem xét đưa ra các quy định cụ thể như đảm bảo các yếu tố thế nào thì mới được công nhận là trường quốc tế; cần xác định rõ “quốc tế” ở chỗ nào, đạt chuẩn quốc tế về chương trình, giáo viên hay cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ông thẳng thắn khẳng định lỗ hổng trong luật giáo dục hiện hành, "ngay khi đặt tên trường, ngành giáo dục phải kiểm soát, giống như các công ty lấy tên thì đều phải chú ý đến bản quyền... Điều này cho thấy chúng ta vẫn còn lỏng lẻo trong quản lý cách đặt tên các trường”.
giáo dục bị biến thành "món hàng" để trao đổi
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc gắn thêm chữ "International" (quốc tế) đang bị các trường lợi dụng nhằm thu hút, thu lợi từ các bậc phụ huynh "háo danh", muốn con đi học "cái này cái kia"; còn thực chất tính "quốc tế" như thế nào thì không biết.
Đồng tình quan điểm này, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục độc lập cho hay, tại Việt Nam xuất hiện tình trạng nhiều người đầu tư vào giáo dục để tính chuyện thu lời, "gần như cái gì cũng có thể trở thành món hàng để trao đổi".
"Họ cảm thấy thích thú khi đầu tư về giáo dục, bởi chỉ cần một lần thu hút được khách là có thể hưởng lợi trong thời gian rất dài. Bởi ở trường tiểu học, các cháu sẽ học 4-5 năm, nghĩa là chỉ cần một lần thu hút, trường có thể thu tiền đến 50 tháng hoặc hơn. Ở cấp THPT, thấp nhất cũng là 3 năm.
Bên cạnh đó, việc "cho tiền" được xem là khá dễ dàng trong giáo dục. Bởi khi trường yêu cầu đóng tiền học cho con, rất ít phụ huynh phản đối, kêu ca. Do vậy, họ sẽ dễ thu tiền hơn so với những sản phẩm khác, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng cho rằng, việc kiểm duyệt tên gọi của các trường theo đúng với giấy phép kinh doanh là điều rất quan trọng. Có thể trên trang web, trên facebook họ đặt các tên khác nhau, nhưng biển ở cổng trường chắc chắn phải đúng tên gọi.
"Tuy nhiên, sau một thời gian rất dài chúng ta không để ý đến việc này và không có những định danh rõ ràng các trường quốc tế, dân lập, công lập; không có những trang web công khai tuyên bố cụ thể trường thuộc loại nào (quốc tế, công lập hay dân lập) nên phụ huynh hiểu nhầm giữa trường nọ và trường kia.
Đây cũng chính là cách "lật lọng" trong kinh doanh giáo dục", Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định không có trường quốc tế tồn tại ở Việt Nam. Ở nước ta chỉ tồn tại trường dân lập, trường công lập và trường tư thục. Trong đó, trường tư thục có thể nhận đầu tư từ nước ngoài.
Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường công lập; dân lập; tư thục. Luật giáo dục mới được Quốc Hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.
Bình luận