Từ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 13 ca COVID-19, trong đó 7 trường hợp ở Hà Nam, 3 ca ở Hà Nội, 2 ca ở Hưng Yên và 1 ca ở TP.HCM. Tất cả đều có yếu tố dịch tễ liên quan BN2899 ở Hà Nam.
Trước tình hình đó, hàng loạt tỉnh thành nâng mức cảnh báo phòng chống dịch, dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người và các hoạt động không thiết yếu, khuyến cáo người dân không đi du lịch để phòng chống dịch COVID-19.
Tại Hà Nội, đêm 29/4, Chủ tịch UBND thành phố có công điện hỏa tốc về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, những trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố.
Hà Nội tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game từ 0h00 ngày 30/4; Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Tại TP.HCM, kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sáng 30/4, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ 18h ngày 30/4, toàn bộ vũ trường, quán bar và karaoke trên địa bàn TP.HCM phải tạm dừng hoạt động.
“Các cơ sở kinh doanh này cần chia sẻ với thành phố để tập trung cho công tác phòng chống dịch, vì thành phố có độ mở lớn, giao dịch nhiều. Trong điều kiện hiện nay phải tạm dừng hoạt động 3 loại hình dịch vụ nêu trên”, ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Phong yêu cầu các quán ăn, nhà hàng, nhà hát kịch, phòng trà phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Còn tại tâm dịch Hà Nam, ngay trong chiều 29/9, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hà Nam đã tổ chức họp khẩn nhằm tăng cường triển khai một số biện pháp cấp bách phòng, chống, ngăn chặn COVID-19 lây lan ra cộng đồng.
UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu từ 18h ngày 29/4, tạm thời đóng cửa và dừng đón khách tại Khu du lịch chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; dừng các lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người, các hội nghị không cần thiết đến khi có thông báo mới.
Tỉnh Hà Nam tạm dừng các hoạt động kinh doanh: karaoke, masage, trò chơi điện tử online và offline, các khu vui chơi giải trí đến khi có thông báo mới. Rà soát, hoàn thiện, kích hoạt lại toàn bộ lực lượng, phương án phòng, chống dịch COVID-19 ở tất cả các cấp.
Tại Nam Định, ngày 30/4, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tạm dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch.
Cụ thể, từ 1/5, Nam Định sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao tập trung đông người; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng.
Nam Định cũng tạm dừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng trên địa bàn tỉnh… cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hạn chế các cuộc họp khi không thực sự cần thiết; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tham dự các sự kiện tập đông người và đi ra ngoại tỉnh.
UBND các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan Công an triển khai rà soát, hướng dẫn thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện xét nghiệm ngay đối với toàn bộ các trường hợp là hành khách trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 7/4 theo Thông báo khẩn của Bộ Y tế hiện có mặt tại địa phương. Đồng thời, rà soát, yêu cầu khai báo y tế và theo dõi sức khỏe đối với toàn bộ các trường hợp từng đi qua, trở về từ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đang có mặt tại địa phương từ 15/4.
Cơ quan chức năng, các địa phương rà soát lại tất cả các trường hợp người Nam Định đã hoàn thành cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của các tỉnh, thành phố trở về địa phương từ 15/4. Những trường hợp này khi trở về địa phương phải thông báo với chính quyền và cơ sở y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Những trường hợp trở về từ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam từ 15/4 đến nay phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Tại Hải Phòng, tối 30/4, UBND TP cũng phát đi công văn hỏa tốc, yêu cầu thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cụ thể, thành phố yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu gồm: vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quán bar, pub, game, internet từ 0h ngày 1/5. Mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
UBND Thành phố yêu cầu Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
UBND TP Hải Phòng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung, bao gồm các cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại đây và lây nhiễm ra cộng đồng.
Các đơn vị, địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung, trở về địa phương; yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng, tức ngực, khó thở... phải được báo ngay cho ngành Y tế.
UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, các bến xe, nhà ga, bến tàu thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch (đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách 1m, sát khuẩn tay...); kiên quyết từ chối phục vụ các hành khách không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh sáng 30/4 cũng phát đi công điện hỏa tốc yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp truy vết các trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh phát sinh đã được Bộ Y tế công bố kể từ ngày 28/4/2021.
Trưởng ban Quản ký Khu kinh tế Quảng Ninh chủ trì chỉ đạo các doanh nghiệp có chuyên gia, người lao động nước ngoài thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát người dân Quảng Ninh, chuyên gia, người lao động nước ngoài nhập cảnh đã hoàn thành cách ly tại các cơ sở cách ly trên cả nước, về địa phương kể từ 15/4 đến nay khẩn trương xét nghiệm lại SARS-CoV-2; tiếp tục thực hiện cách ly tại nơi cư trú cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Kể từ 12h00 ngày 30/4, Quảng Ninh tạm dừng hoạt động tất cả cơ sở kinh doanh karaoke, massage, vũ trường, bar, pub, club, dịch vụ internet, trò chơi điện tử trên địa bàn tỉnh.
Sở Văn hóa và thể thao, Sở Du lịch tổ chức kiểm tra việc thực hiện yêu cầu 5K và Bộ tiêu chí an toàn ban hành kèm theo Công văn số 1159/UBND-VX3 ngày 28/2/2021 của UBND tỉnh tại các cơ sở lưu trú, các khu du lịch, các di tích, danh thắng và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Tại Thái Bình, chiều 30/4, tại cuộc họp chỉ đạo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc UBND tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi phụ trách, lĩnh vực quản lý.
Kể từ 7h ngày 1/5, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh; tạm dừng đón khách tại các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám cưới, đám tang, đám giỗ, liên hoan, sinh nhật, nơi gặp mặt đông người khác; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng…; Kịp thời thông báo với cơ quan chức năng về các trường hợp trở về địa phương từ vùng có dịch, người nhập cảnh trái phép để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu cơ quan chức năng địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, xác minh, truy vết, thông tin tìm người đến khu vực có trường hợp F0 đã từng đến và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với các trường hợp liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên…).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; dịch vụ giải khát phải tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, ghi nhật ký của khách hàng; nghiêm cấm việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh. UBND các huyện, thành phố khởi động lại các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, thành phố bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng thực hiện cách ly y tế theo quy định.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xác minh các trường hợp F1, F2, F3 có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19; tổ chức cách ly và quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly theo quy định; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng các phương án phong tỏa, cách ly, đảm bảo hậu cần và an ninh trật tự trên địa bàn khi cần thiết. Đối với UBND huyện Hưng Hà tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam.
Bình luận