Không chịu nổi áp lực trong môi trường đầy rủi ro
Chúng ta thường bấm ngay số điện thoại 115 để gọi cấp cứu, nhưng ít ai biết rằng, để chiếc xe cấp cứu đến nhanh nhất với bệnh nhân lại là cả một quy trình đầy khẩn trương và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM hoạt động độc lập trực thuộc Sở Y tế từ năm 2014, đây là địa điểm tiếp nhận những ca bệnh nguy kịch, những trường hợp bị tai nạn chấn thương. Đây là cơ sở chuyên trách cấp cứu ngoại viện, từ tiếp cận hiện trường, sơ cứu nạn nhân và vận chuyển đến các bệnh viện phù hợp gần nhất.
Theo thống kê, trong vòng 3 năm vừa qua, số lượt các cuộc gọi đến cấp cứu 115 TP.HCM tăng nhanh từ khoảng 8.800 lên 21.000 cuộc.
Với số lượng 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng với 11 xe cấp cứu, trung tâm phải gồng mình để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu của toàn thành phố. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất, các phương tiện vẫn chưa được hoàn thiện cộng thêm nguồn nhân lực tại trung tâm quá mỏng, không đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu của người dân.
Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Sở đã nhiều lần đề xuất mua thêm xe cứu thương để đáp ứng tối đa việc tiếp cận hiện trường nhanh nhất, cứu chữa bệnh nhân hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kiến nghị của Sở Y tế không được Sở Tài chính đồng thuận.
Trao đổi với PV VTC News, Ths.BS Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng Phòng điều hành - Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, đây là một trung tâm độc lập, thu nhập thấp nhưng áp lực công việc rất cao. Đặc thù của công việc là bất ngờ, kịp thời nên mọi người luôn phải trong tư thế sẵn sàng.
Với mức lương khởi điểm là 1,6 triệu đồng/tháng, những nhân viên còn trụ lại ở trung tâm phải gói ghém đời sống mình lại vì lòng yêu nghề sâu sắc. Nhiều người ở trọ và ăn uống tằn tiện trong mức lương quá bèo bọt. Nhưng khi làm việc, tinh thần của đội ngũ nhân viên tại đây luôn ở mức cao nhất, tận tâm tận tụy vì người bị nạn, không một phút lơi là, không một tiếng thở than.
Hiện nay, chi phí khi gọi một xe cấp cứu bất kể đêm – ngày, xa - gần với một ekip bao gồm bác sĩ, y tá cùng tài xế là 150.000 nghìn đồng. Thuốc men và dịch truyền được tính theo thực tế khi cấp cứu.
Khi cấp cứu người vô gia cư, người nghèo, bác sĩ trưởng ekip vẫn rất vui lòng ký “thất thu”. Với đội ngũ nhân viên trung tâm, cấp cứu là một vấn đề an sinh xã hội, việc không có nguồn thu không hẳn là chuyện quá lớn.
Video: Đưa con đi cấp cứu, bố đánh bác sĩ và sinh viên thực tập ngất xỉu
Ông Võ Lâm Khôi Nguyên, tài xế tại đây chia sẻ rằng, tài xế cấp cứu không chỉ lái xe đưa các bác sĩ và điều dưỡng đến cứu người, mà còn giúp các y bác sĩ khiêng, cõng, bế người bệnh ra xe, vì thế, mức độ phơi nhiễm của các nhân viên rất cao, không chỉ là những y bác sĩ cấp cứu.
Nhiều người bệnh có bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, bệnh lây qua đường hô hấp... nhân viên cấp cứu bắt buộc phải dùng khẩu trang nhưng vi rút vẫn có thể nhiễm vào hệ thống làm lạnh trên xe. Đó cũng là lý do những chiếc xe cứu thương khi dừng đỗ trong trung tâm luôn được mở cửa, vừa để luôn sẵn sàng nhiệm vụ, vừa là để thanh lọc không khí trên xe.
Chiều 10/4, làm việc với HĐND TP.HCM, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, nhân viên thôi việc hàng loạt khiến trung tâm bị giảm tới gần 30% số bác sĩ, 10% số điều dưỡng và lực lượng y sĩ, kỹ thuật viên, lái xe và bảo vệ cũng giảm đáng kể.
Nhiều y bác sĩ nghỉ việc bởi thu nhập thấp, môi trường làm việc nguy hiểm, không có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Các hoạt động cấp cứu tại trung tâm cũng như các trạm vệ tinh đều bị thua lỗ, khoảng 30% trường hợp khi xe cấp cứu đến hiện trường thì bệnh nhân đã được chuyển đi, gần 3.000 ca cấp cứu không được trả tiền, bảo hiểm y tế không hỗ trợ thanh toán cấp cứu ngoại viện.
Việc nhiều, lương bèo bọt
Công việc cứu người của các y bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 vô cùng căng thẳng, áp lực với hàng núi công việc và sự việc phát sinh, không phải ai cũng hiểu hết được. Tuy nhiên, nhân viên tại đây luôn làm việc bằng khẩu hiệu: “1 cuộc gọi, 1 niềm tin và 5 phút sẵn sàng”.
Sự thực là môi trường làm việc của y bác sĩ cấp cứu cực kì nguy hiểm, lại trải rộng trên nhiều địa bàn với các ca bệnh liên quan đến tai nạn, đánh nhau, say xỉn do bia rượu... Bác sĩ cấp cứu thường tập trung xử lý tình trạng ban đầu, không có cơ hội làm việc trong môi trường bệnh viện chuyên nghiệp để nâng cao tay nghề.
Ở một nơi có thể nói là khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, những bác sĩ với điểm đậu đầu vào cao chất ngất, học hành cực khổ với thời gian dài gấp rưỡi các trường khác, kèm theo những kì thực tập đầy dài trong bệnh viện, ra trường còn phải học thêm vài năm nữa nhưng mức lương chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Đây là mức lương chung của toàn ngành, tuy nhiên, Trung tâm Cấp cứu 115 lại rất hiếm khi được những khoản phúc lợi để hỗ trợ thêm về đời sống của anh em nhân viên.
Về thu nhập, hiện mức lương của nhân viên trung tâm hiện thấp nhất 1,6 triệu đồng/tháng, bác sĩ chỉ khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng. Lương giám đốc trung tâm khoảng 8 triệu đồng. Ngoài thu nhập cơ bản thì hầu như họ không còn nguồn kinh tế nào khác.
Trung tâm cũng đang tìm nhiều nguồn thu khác nhưng vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải làm như cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố, phục vụ những lễ hội, sự kiện thể thao văn hóa, các kì họp của HĐND, hội nghị lớn, hay khi tòa án xét xử thì cũng phải có nhân viên trực đi theo đoàn...
Bên cạnh đó, các bác sĩ cấp cứu lại chưa được cấp giấy chứng chỉ hành nghề để có thể làm phòng mạch ngoài giờ.
Ths. BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 bày tỏ với PV VTC News, đây là một trung tâm non trẻ, mới thành lập nên đang có nhiều việc cần đến một cơ chế đặc biệt. Hi vọng tương lai, lãnh đạo Sở Y tế sẽ tháo gỡ được cơ chế để cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ cấp cứu tại trung tâm, nhằm phần nào nâng cao chất lượng sống cho anh em bác sĩ; đồng thời, nâng cao mức hỗ trợ đặc biệt cho trung tâm...
Bình luận