Gần 1 tháng trôi qua, kể từ khách hàng Vietcombank bỗng dưng mất 500 triệu đồng trong tài khoản; khách hàng tại VPBank và VIB cũng mất hàng tỷ đồng; bên cạnh câu trả lời từ khách hàng, dư luận rất trông chờ ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, tới đêm 29/8, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức lên tiếng.
Ngày 29/8/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 6466/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, một số ngân hàng có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung, cũng như thanh toán thẻ và thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo về các vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ và thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện nhiều nội dung.
Trong đó, hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tương tác nhiều nhất với khách hàng. Các đơn vị này có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức mình (bao gồm cả việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo phương thức truyền thống và phương thức điện tử), đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu có vướng mắc cần phản ánh về Ngân hàng Nhà nước để phối hợp xử lý.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cần nghiên cứu triển khai các giải pháp tăng cường an ninh, bảo mật cho hệ thống thanh toán trực tuyến, cụ thể: Triển khai giải pháp phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, hạn mức thanh toán, số lần xác thực sai hoặc các dấu hiệu bất thường khác; Có giải pháp phát hiện sớm các trang web lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo cho khách hàng; Tăng cường đào tạo nhận thức về an toàn, bảo mật cho cán bộ, nhân viên và khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Các đơn vị này phải thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động thanh toán; không được bớt xén các công đoạn trong các quy trình nghiệp vụ; thường xuyên đánh giá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra được an toàn, thông suốt; thể hiện rõ vai trò, chức năng của từng khâu, từng công đoạn trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Khi có các rủi ro, gian lận xảy ra phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng; quyền lợi của người dân, của khách hàng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị này phải thường xuyên, kịp thời đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn và thông tin đầy đủ đến khách hàng để khách hàng nắm rõ các rủi ro, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động thanh toán và cách sử dụng các dịch vụ an toàn; khuyến cáo tới khách hàng khi gặp sự cố thì khách hàng cần bình tĩnh phối hợp với các ngân hàng, các cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bình luận