• Zalo

Hàng loạt địa phương dừng triển khai mô hình trường học mới

Giáo dụcThứ Năm, 25/08/2016 12:20:00 +07:00Google News

Năm học 2016 – 2017, nhiều địa phương quyết định dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN, trong khi, Bộ GD-ĐT khuyến khích áp dụng theo hướng tự nguyện và sử dụng những nội dung phù hợp.

Ngày 23/8, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) đã tập trung về trường, đeo băng- rôn phản đối, kiến nghị dừng chương trình VNEN.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Vinh, Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Trãi và đại diện các tổ chức liên quan đã có mặt, tổ chức đối thoại với phụ huynh.

vnen -1

Lớp học VNEN tại trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh). Ảnh: Dự án VNEN  

Tại cuộc đối thoại này, phụ huynh nêu ra các lý do để yêu cầu bỏ VNEN. Phụ huynh cho rằng, tư thế ngồi học không phù hợp ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu.

Phụ huynh cho rằng với mô hình trường học mới, bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận. Những em trung bình và yếu ngày càng đuối.

Học sinh từ Trường tiểu học Nguyễn Trãi lên Trường THCS Lê Lợi bị tách biệt, khó hoà đồng với các bạn. Điều kiện cơ sở vật chất ở Trường THCS Lê Lợi cũng chưa đáp ứng việc dạy học VNEN.

Nhiều phụ huynh bức xúc vì xin chuyển trường cho con không học VNEN nhưng bị gây khó dễ, không được giải quyết.

Clip: Phụ huynh Nghệ An tập trung trước cổng trường yêu cầu dừng mô hình trường học mới VNEN

Trước đó, hàng loạt địa phương cũng đã cho tạm dừng mô hình trường học mới VNEN vì có nhiều bất cập.

Năm học 2016 - 2017, các tỉnh Bình Thuận, Hà Giang, Hà Tĩnh và thành phố Vũng Tàu đã quyết định dừng nhân rộng mô hình trường học mới VNEN.

Trước đó, vào năm học 2015 - 2016, tại một số trường THCS ở Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tại Hà Giang, chương trình trường học mới VNEN bắt đầu triển khai từ năm học 2011 - 2012 tại 8 lớp ở 4 trường tiểu học.

Đến năm học 2015 - 2016, số trường, lớp và học sinh học theo mô hình trường học mới đã tăng lên 88/226 trường tiểu học, 49/201 trường THCS.

Sau một thời gian triển khai, đánh giá cho thấy, mô hình VNEN đã tạo cho học sinh những thay đổi tích cực, nhưng mô hình cũng bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đầu tháng 7/2016, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị Sở GD-ĐT Hà Giang dừng việc sử dụng tài liệu theo mô hình trường học mới VNEN từ năm học 2016 – 2017.

truong hoc moi-4

Một lớp học theo mô hình trường học mới

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Giang lý giải nguyên nhân trên địa bàn tỉnh năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều nên rất khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới, cơ sở vật chất, tài liệu chưa phù hợp để triển khai. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí cũng là những cản trở ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học.

Còn tại Hà Tĩnh, mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học từ năm học 2012 - 2013. Hiện tại có 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT áp dụng.

Tuy nhiên, mới đây, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Hà Tĩnh với Sở GD - ĐT chuẩn bị triển khai năm học mới 2016-2017 vào ngày 18/7, ông Đặng Quốc Khánh Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới (VNEN).

Ông Đặng Quốc Khánh kết luận tạm dừng triển khai đại trà VNEN trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ tiếp tục triển khai VNEN ở những lớp, trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015 – 2016.

truong hoc moi-3

 Mô hình trường học mới không phù hợp ở nhiều địa phương

Tại thành phố Vũng Tàu mô hình trường học mới được đưa vào từ năm học 2014-2015 với cấp tiểu học tại các 3 trường (tiểu học Hải Lam, tiểu học Song Ngữ và tiểu học Hạ Long) cho học sinh lớp 2, với 15 lớp/543 học sinh.

Năm học 2015-2016 có 16/22 trường tiểu học thực hiện toàn phần mô hình trường học mới với 125 lớp/4.717 học sinh và 15/16 trường THCS đăng ký tham gia với 39 lớp 6/1.345 học sinh.

Tuy nhiên, mới đây, ông Trần Ngọc Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu (người phát ngôn của Thành ủy TP Vũng Tàu) thông tin, sau quá trình thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm, 100% thành viên Ban chấp hành Đảng bộ đã thống nhất kiến nghị HĐND tỉnh cho phép TP. Vũng Tàu tạm dừng mở rộng mô hình trường học mới VNEN năm học 2016 - 2017.

Mục đích của kiến nghị tạm dừng mở rộng VNEN là để TP Vũng Tàu có thời gian rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ thầy cô giáo; sơ tổng kết kết quả triển khai trong năm học 2015 - 2016 và điều tra xã hội học về sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Đối với các trường, lớp đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình VNEN trong năm 2015 – 2016,  nếu phụ huynh học sinh không tự nguyện cho con em tham gia lớp học mô hình VNEN thì tạm dừng triển khai trong năm học 2016 - 2017.

Đồng thời, cơ sở giáo dục sẽ giải quyết theo nguyện vọng đối với các phụ huynh có đơn xin chuyển lớp cho học sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT Bình Thuận đã có công văn yêu cầu tạm dừng triển khai thực hiện mô hình trường học mới đối với lớp 6 trong năm học 2016-2017.

“Khuyến khích các trường Trung học Cơ sở đã triển khai mô hình trường học mới (lớp 6 năm học 2015-2016) tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của đơn vị.

Đối với những trường Trung học Cơ sở không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm”, công văn của Sở GD-ĐT Bình Thuận nêu rõ.

Lý do được phụ huynh nêu ra là do sĩ số lớp học quá đông gây khó khăn cho giáo viên kiểm tra, theo dõi các em làm bài; nhiều kiến thức khó không được thầy cô giảng giải như trước nên nhiều học sinh không hiểu bài và lực học đuối dần; ngồi học theo nhóm sai tư thế.

Bên cạnh đó, phụ huynh cho rằng với mô hình trường học mới, học sinh dễ nói chuyện và chép bài bạn nên gia đình ảo tưởng về lực học của con nhưng thực chất các em chẳng nắm được kiến thức.

Khuyến khích áp dụng tự nguyện

Ngày 18/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết những bất cập trong áp dụng mô hình trường học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc rút kinh nghiệm.

"Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận.

phung-xuan-nha-12

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn

“Mặt khác, trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Vì vậy,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.

"Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn