Trong quý 3/2016, giá dầu tăng khá mạnh nhưng vẫn ở mức thấp. Dù vẫn ở mức thấp, giá dầu vẫn được kỳ vọng sẽ là 'phao cứu sinh' cho nhiều đại gia dầu khí niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, các đại gia lại khiến cổ đông thất vọng khi công bố những khoản lợi nhuận giảm rất sâu.
Là “anh cả” ngành dầu khí trên sàn chứng khoán, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục gây thất vọng khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 với khoản lợi nhuận giảm rất sâu.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của trong quý 3/2016 của GAS chỉ đạt 964 tỷ đồng, giảm 1.353,4 tỷ đồng, tương ứng 58,4% so với quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 4.161,6 tỷ đồng, giảm 3.569,2 tỷ đồng, tương ứng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, GAS đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến lãi của GAS tuột dốc. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của ông lớn ngành dầu khí trong quý 3 chỉ đạt 13.787,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 15.724,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 43.592,5 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong quý 3, chi phí lãi vay của GAS tăng đột biến từ 35,2 tỷ đồng quý 3/2016 lên 82,5 tỷ đồng. Trong 9 tháng, GAS phải trả lãi ngân hàng tổng cộng 261,1 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ tiêu này “chỉ” là 140,1 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay của GAS cao ngất ngưởng chủ yếu đến từ những khoản nợ khủng. Tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ vay và nợ của GAS đạt 7.202,5 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) cũng công bố báo cáo tài chính với các số liệu đáng thất vọng.
Lợi nhuận sau thuế của PVD chỉ đạt 1,46 triệu USD, giảm 25,24 triệu USD, tương ứng 94,5% so với quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 6,68 triệu USD, giảm 69,91 triệu USD, tương ứng 91,28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng giống như GAS, PVD đang đối mặt với doanh thu giảm sâu. Trong kỳ, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVD chỉ đạt 53,57 triệu USD, giảm 115,7 triệu USD, tương ứng 68,35% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 203,71 triệu USD, giảm so với con số 552,53 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2015.
Trong khi GAS dù lợi nhuận giảm, vẫn duy trì được tăng trưởng tài sản dương thì tại PVD, tổng tài sản có xu hướng giảm nhẹ từ 1,11 tỷ USD năm 2015 xuống 1,05 tỷ USD tại thời điểm cuối quý 3 năm nay.
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng báo lợi nhuận giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế của PVS đạt 61,35 tỷ đồng, giảm so với con số 409,16 tỷ đồng của quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đạt 749,69 tỷ đồng, giảm so với con số 1.291,76 tỷ đồng.
Doanh thu giảm cũng là nguyên nhân khiến PVS lao đao. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVS chỉ đạt 4.772,02 tỷ đồng, giảm so với 6.818,69 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đạt 13.917,55 tỷ đồng.
Giống như PVD, PVS cũng chứng kiến tổng tài sản giảm nhẹ. Chỉ tiêu này giảm từ 26.437,05 tỷ đồng hồi cuối năm 2015 xuống 25.842,3 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2016.
PVS đã có giải trình về lợi nhuận giảm sâu. Theo PVS, biến động giảm này chủ yếu do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Tổng công ty đều giảm sâu so với năm 2015.
Dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí, dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng phục vụ hoạt động dầu khí giảm trên 50%, các dịch vụ khảo sát địa chấn (2D, 3D), hoạt động đầu tư liên doanh, liên kết trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa giàn khoan không có lãi.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức thấp và thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh toàn diện.
Trong khi các đại gia dầu khí đồng loạt lao đao, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) – nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị lại bất ngờ báo lợi nhuận tăng vọt dù ông Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã toàn cầu.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của PVC đạt hơn 256,8 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 700 tỷ đồng. Tổng doanh thu của PVC đạt hơn 7.900 tỷ đồng.
Bình luận