• Zalo

Hàng loạt bệnh viện nhập thuốc từ công ty 'ma'?

Sức khỏeThứ Năm, 21/09/2017 14:30:00 +07:00Google News

Có ít nhất 6 bệnh viện tại TPHCM đã trúng thầu các loại thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada, nơi đang được điều tra với nghi vấn là công ty dược phẩm “ma” trong vụ án VN Pharma.

Trùng hợp kỳ lạ

Khi vụ án buôn lậu thuốc giả của Công ty CP dược phẩm VN Pharma xảy ra, cơ quan điều tra đã phát hiện một con dấu mang tên Công ty Health 2000 Inc của Canada.

Sự trùng hợp là trước đó, nhóm VN Pharma cũng đã dùng một con dấu giả mang tên Công ty Helix Canada, một công ty dược “ma” được VN Pharma dùng để nhập thuốc Capita giả về Việt Nam, trúng thầu vào bệnh viện.

Trước khi phát hiện con dấu của Công ty Health 2000 Inc Canada vào năm 2014, 3 mặt hàng thuốc của công ty này sản xuất là H2K Levofloxacin 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml và MGP Axinex-1000mg đã trúng thầu vào ít nhất 6 bệnh viện tại TPHCM và nhiều bệnh viện trên toàn quốc.

5a_EPFB

Nhiều mặt hàng của Health 2000 Inc Canada đã trúng thầu vào 6 bệnh viện ở TPHCM. 

Cũng trong năm 2014, Cục Quản lý dược đã nhanh chóng rút giấy phép nhập khẩu của Health 2000 Inc, đồng thời đình chỉ lưu hành các loại thuốc của công ty này.

Cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra chân tướng của Công ty Health 2000 Inc Canada để xem liệu đây có phải là công ty “ma” như VN Pharma đã từng làm với công ty “ma” Helix để nhập khẩu thuốc ung thư giả?!

Theo tài liệu mà báo chí có được, từ năm 2011-2013, nhiều loại thuốc của Health 2000 Inc Canada đã trúng thầu vào bệnh viện và đã điều trị cho nhiều bệnh nhân.

Tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương ở TPHCM, thống kê sơ bộ cho thấy, thời điểm trên, họ đã sử dụng một số thuốc của Health 2000 Inc từ đơn vị cung cấp là Công ty CP dược phẩm Trung ương 2 và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex.

Điều đáng nói, có hai loại thuốc H2K Levofloxacin 500mg/100ml và H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml trùng tên với thuốc mà Công ty VN Pharma đã trúng thầu vào bệnh viện trước khi ông Nguyễn Minh Hùng- chủ tịch công ty này bị bắt.

Lãnh đạo Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương xác nhận họ trúng thầu 3 loại thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada gồm: H2K Levofloxacin 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml và MGP Axinex-1000mg. Người đứng đầu bệnh viện cho biết từ năm 2011-2013, nơi đây sử dụng 27.640 lọ, trong đó 8.040 lọ Ciprofloxacin 200mg/100ml và 19.600 lọ H2K Levofloxacin 2500mg/100ml.

“Quá trình sử dụng không ghi nhận tác dụng ngoài ý muốn của thuốc. Tuy nhiên, sau khi có công văn của Cục Quản lý dược về việc ngừng sử dụng, nhập khẩu các mặt hàng của Công ty Health 2000 Inc Canada, bệnh viện chúng tôi đã không có mặt hàng nào liên quan đến công ty này”- lãnh đạo bệnh viện cho hay.

 Theo tìm hiểu, nhiều loại thuốc của Health 2000 Inc Canada như H2K Levofloxacin 500mg/100ml và Ciprofloxacin 200mg/100ml giống nhau về tên nhưng có số đăng ký khác nhau so với số đăng ký của hai loại thuốc như trên trong vụ án Công ty CP VN Pharma.

Đáng nói là tất cả các loại thuốc này đều do Công ty có tên Health 2000 Inc Canada sản xuất. Theo công văn số 19727/QLD-KD ngày 13/11/2014 của Cục Quản lý Dược về việc tạm ngừng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc sản xuất hoặc cung cấp thì địa chỉ của công ty này là 70 Beaver Creek Road #30, Richmond Hill, Ontario, Canada.

Trong khi đó, theo hồ sơ thầu của Công ty Health 2000 Inc có thuốc trúng vào 6 bệnh viện thì trụ sở là 70 Beaver Creek Road #30, Richmond Hill, ON, L4B3B2- Canada. Đây là sự trùng hợp kỳ lạ.

Mờ ám thuốc vào bệnh viện từ công ty “ma”? - ảnh 1

Danh sách thuốc H2K Levofloxacin 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml của Health 2000 Inc Canada trúng thầu vào BV cấp cứu Trung Vương. 

Đang điều tra

Liên quan đến nghi vấn Công ty Health 2000 Inc Canada là “công ty ma”, trao đổi với Tiền Phong dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM cho rằng, để xác định Công ty Health 2000 Inc Canada có phải là “ma” hay không cần xác định hồ sơ pháp nhân của công ty khi xin giấy phép nhập khẩu và số đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và số đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược, nên theo ông Dũng cần chờ kết luận thanh tra. “Sở Y tế không có đầy đủ các thông tin về Công ty Health 2000 Inc Canada.

Từ năm 2011-2013, các bệnh viện tại TPHCM tiến hành đấu thầu mua thuốc riêng lẻ tại từng bệnh viện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhà thầu là các công ty dược của Việt Nam phân phối thuốc cho Công ty Health 2000 Inc Canada nộp hồ sơ dự thầu trực tiếp cho các bệnh viện” - dược sĩ Dũng nói.

Từ các báo cáo của bệnh viện gửi về Sở Y tế TPHCM, hiện có 3/57 bệnh viện do ngành y tế thành phố quản lý trúng thầu và có sử dụng thuốc trúng thầu của Công ty Health 2000 Inc.

Ba bệnh viện đó gồm Bệnh viện Trưng Vương trúng thầu 9 mặt hàng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trúng thầu 3 mặt hàng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi trúng thầu 1 mặt hàng. Riêng 3 bệnh viện: Phạm Ngọc Thạch, Nhân dân Gia Định và An Bình, mỗi bệnh viện trúng thầu 1 mặt hàng nhưng không sử dụng thuốc.

Video: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định không dùng thuốc ung thư giả

Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, từ năm 2011 đến nay, Sở không nhận được phản ánh nào của 3 bệnh viện trúng thầu thuốc Health 2000 Inc Canada về chất lượng thuốc, cũng như các phản ứng bất lợi của thuốc xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.

Theo Sở Y tế TPHCM, thuốc của Hãng Health 2000 Inc phân phối vào bệnh viện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu tại các bệnh viện tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Thuốc dự thầu được xét theo nhiều tiêu chí: năng lực kinh nghiệm nhà thầu, thuốc có giấy phép lưu hành, tiêu chí kỹ thuật thuốc, tiêu chí giá thuốc… Thuốc trúng thầu là thuốc đạt tiêu chí chất lượng, kỹ thuật và có giá thấp nhất trong cùng nhóm kỹ thuật.

“Thuốc của hãng Health 2000 Inc Canada trúng thầu ở các bệnh viện, tất nhiên được nhà thầu cung ứng và bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân. Trong quá trình sử dụng nếu có vấn đề về chất lượng thuốc, bệnh viện phải ngừng sử dụng và báo cáo về Sở Y tế để có hướng xử lý” - dược sĩ Dũng nói.

Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 còn nhập về hai loại thuốc sau của Công ty Health 2000 Inc Canada là thuốc MGP Moxinase-625, số đăng ký: VN-8498-09, hạn dùng: 24 tháng và thuốc Kafotax-100 thành phần hoạt chất là Cefotaxime Sodium, số đăng ký: VN-8496-09, hạn dùng: 30 tháng. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn