• Zalo

Hàng không chậm, hủy chuyến bay: Bồi thường thế nào?

Thời sựThứ Tư, 16/07/2014 06:03:00 +07:00Google News

(VTC News) – Lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam vừa trả lời về việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay.

(VTC News) – Lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam trả lời về việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Quyền lợi của hành khách và giải pháp giảm chậm, hủy chuyến bay” tổ chức chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng cao so với cùng kỳ năm 2013.


Trước tình trạng này, ngày 15/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã họp để đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế, đồng thời đánh giá tổng thể các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng có giao và đưa ra một số chỉ tiêu cần xử lý trước mắt như: Hãng hàng không Việt Nam (VNA) phải giảm chậm, hủy chuyến bay xuống thấp hơn mức năm 2013 ngay trong Quý II năm nay. Các hãng còn lại phải giảm 50% số vụ chậm, hủy so với 6 tháng đầu năm 2014. Đến năm 2015 phải bảo đảm 90% bay đúng hạn…


Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. 

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu, ngay trong tháng tới, các đơn vị phải tập trung tìm ra các giải pháp thực hiện triệt để. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước phải tìm ra các giải pháp để quản lý hợp lý, hình thức xử phạt các đơn vị chậm, hủy chuyến.

“Công tác phối hợp chưa nhịp nhàng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến nhiều như thời gian vừa qua. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, các đơn vị, hãng hàng không phải phối kết hợp chặt chẽ hơn, không để tái diễn tình trạng chậm, hủy chuyến tràn lan như 6 tháng vừa qua” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, việc chậm, hủy chuyến thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có khách quan như: bầu trời, thời tiết. Nhưng nguyên nhân rất quan trọng là chủ quan, do quản lý nhà nước thực hiện các quy định về dịch vụ và các doanh nghiệp quản lý thực hiện các dịch vụ ở đây.

Về quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch và các điều kiện thực hiện dịch vụ hàng không và các chế tài để xử phạt trong quá trình thực hiện. Khi tổ chức thực hiện, việc kiểm tra, kiểm soát phải được thường xuyên liên tục để có sự điều chỉnh kịp thời.

Đối với doanh nghiệp, hiện nay có nhiều hãng tham gia. Việt Nam hiện có 3 hãng. Ngoài các hãng hàng không, còn có các doanh nghiệp là đơn vị Cảng vụ Hàng không, đơn vị quản lý bay cũng tham gia lĩnh vực này.

Theo Thứ trưởng Thọ, ở môi trường có nhiều đơn vị tham gia thì việc phối hợp sao cho tốt rất quan trọng, mang tính quyết định.


Các lãnh đạo ngành GTVT, đại diện doanh nghiệp hàng không và các chuyên gia trả lời trực tuyến. 

“Cần cầu thị với dân”


Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, việc chậm, hủy chuyến, nếu chúng ta có sự hỗ trợ, thông báo kịp thời thì người dân sẽ chia sẻ, thông cảm. Nhưng nhiều hãng hàng không chưa làm được việc này. Vì thế, nói hàng không văn minh hiện đại mà không làm được điều này thì làm sao gọi là văn minh, hiện đại được.

“Thời gian qua, việc thực hiện, chấp hành các qui định của hành không vẫn chưa đồng bộ. Tại sao thời gian qua lại xảy ra chậm, hủy chuyến nhiều như vậy. Giờ có 3 hãng, vẫn có sự cạnh tranh chưa lành mạnh. Chúng ta giờ có rất nhiều người đi máy bay, nhưng sự am hiểu các qui định về hàng không còn hạn chế, không phải ai cũng biết, nên có thể cũng gây ra những vấn đề về thực thi nhiệm vụ, chấp hành an toàn bay.

Trước đây, thái độ phục vụ của nhân viên hàng không tốt hơn nay rất nhiều. Dịch vụ đến nay so với trước là kém đi. Những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Cần phải cầu thị với nhân dân” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, điều quan trọng nhất của hàng không là an toàn, điều này Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ rõ, bảo đảm an toàn cũng là để hạn chế chậm hủy chuyến. Công tác bảo đảm kỹ thuật không tốt cũng kéo theo chậm chuyến.

“Vì thế cái gốc, không phải là sức ép làm giảm chậm hủy chuyển mà chúng ta phải hiểu an toàn chính là để giảm chậm, hủy chuyến. Những chuyến chậm kéo dài đa số là do hỏng hóc. Đấy là lý do chính gây ra hủy, chậm chuyến kéo dài” – Cục trưởng Cục Hàng không nói.

Chậm, hủy chuyến: Bồi thường thế nào?


Trả lời các câu hỏi về việc bồi thường cho khách hàng nếu chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Jetstar Pacific cho biết, thời gian qua đã có quy định cụ thể của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam về việc chậm hủy chuyến bay.

Cảnh hành khách mệt mỏi tại khu vực chờ lên máy bay. Ảnh Internet. 

Đó là Quyết định số 10/2007 của Bộ GTVT, quy định khi chuyến bay bị hủy 24h so với giờ hành khách đã mua vé thì hãng hàng không phải trả lại tiền cho hành khách với mức: 100.000 đồng với các đường bay dưới 500km; 200.000 đồng với các đường bay trên 500km; 300.000 đồng với các đường bay trên 1.000km; không trả tiền nếu hãng đã thông báo trước với hành khách 24h...

Thông tư 06/2009 của Bộ GTVT áp dụng trong trường hợp chậm trên 20 phút thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2h phục vụ nước uống, trên 3h phục vụ đồ ăn, trên 6h phục vụ chỗ nghỉ, trên 12h phải đổi chuyến cho hành khách.

Trong trường hợp hủy chuyến và được đền bù, hãng sẽ liên hệ với hành khách, thông báo với hành khách qua email, sms, điện thoại và lấy ý kiến của hành khách có muốn chuyển sang chuyến bay khác, hãng hàng không khác hoặc tiếp tục sử dụng dịch vụ của hãng cho chuyến bay kế tiếp…

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, về cơ bản, Vietjet cũng có chính sách bồi thường nhưng “do những tình huống cụ thể có thể gọi là hỗ trợ thiện chí hành khách chứ không gọi là bồi thường”.

Ông  Hoàng Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm điều hành khai thác (OCC) VNA cho biết, VNA áp dụng mức bồi thường cụ thể như: trường hợp trên 1.000 km thì mức bồi thường là 300.000 đồng, từ 500-1.000km là 200.000 đồng, dưới 500 km thì áp dụng theo quy định hiện hành. Việc bồi thường do hủy chuyến được thực hiện sau khi đã hoàn trả tiền vé cho khách hàng.

Kết thúc buổi tọa đàm, các nhà quản lý, doanh nghiệp hàng không và các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay như tình trạng đã xảy ra trong thời gian qua.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn