• Zalo

Hàng chục nghìn khách bị bỏ rơi vì hai hãng bay Pháp phá sản

Kinh tếThứ Ba, 01/10/2019 10:25:00 +07:00Google News

Aigle Azur, hãng hàng không lớn thứ hai ở Pháp, sụp đổ khiến 19.000 hành khách bị ảnh hưởng, trong khi hãng giá rẻ XL Airways cũng chịu chung số phận.

Theo Reuters, ngày 30/9, XL Airways thông báo dừng tất cả các hoạt động bay cho đến khi có thông báo mới vào ngày 3/10. Trước đó, XL Airways đã ngừng bán vé từ ngày 19/9 do khó khăn về tài chính. 

XL Airways vận hành 4 máy bay Airbus, khai thác các đường bay kết nối nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và cũng bay tới vài địa điểm tại Trung Quốc. Năm ngoái, XL Airways phục vụ khoảng 730.000 hành khách. 

Sau quãng thời gian dài khó khăn, hãng hàng không giá rẻ XL Airways thừa nhận: "Các điều kiện thị trường hiện tại không cho phép chúng tôi đảm bảo hoạt động lâu dài của công ty". Sự cạnh tranh của các đối thủ giá rẻ tại thị trường Bắc Mỹ là nguyên nhân đẩy XL Airways vào khủng hoảng.  

hang khong 1

Hãng hàng không giá rẻ XL Airways của Pháp bên bờ vực phá sản. (Ảnh: Maxim)

CEO Laurent Magnin trước đó cho biết XL Airways cần được bơm khoảng 35 triệu euro (38 triệu USD) để tồn tại. Ông kêu gọi đại gia Air France giải cứu hãng hàng không và 570 nhân viên. Tuy nhiên CEO Air France Benjamin Smith tuyên bố "không thấy có lợi ích gì" từ việc cứu XL Airways.

Trước XL Airways, Aigle Azur - hãng hàng không lớn thứ hai tại Pháp sau Air France - đệ đơn xin bảo hộ sản hồi tháng 9 và hủy toàn bộ các chuyến bay của hãng, khiến 19.000 hành khách bị ảnh hưởng. Hơn 1.000 nhân viên Aigle Azur có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Aigle Azur phục vụ khoảng 1,9 triệu hành khách hồi năm 2018, khai thác các chuyến bay từ Pháp đến Algeria. Ngoài ra hãng cũng có một số chặng bay tới Nga, Trung Quốc và Brazil. Cổ đông lớn nhất của Aigle Azur là tập đoàn Trung Quốc HNA Group. 

hang khong 2

Aigle Azur là hãng hàng không lớn thứ hai tại Pháp chỉ sau Air France. (Ảnh: Sky News)

Trong năm qua, một loạt các hãng hàng không nhỏ hoặc giá rẻ của châu Âu làm ăn thua lỗ và chật vật để duy trì. Ngoài Aigle Azur, Germania (Đức), FlyBMI (Anh) hay Wow Air (Iceland) cũng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ. 

Thêm vào đó, cơn địa chấn Thomas Cook Group cũng khiến các hãng bay châu Âu gặp nhiều tổn thất. Hãng tour du lịch Anh Thomas Cook Group phá sản hồi tháng 9 khiến 21.000 nhân viên mất việc và hơn 600.000 khách du lịch mắc kẹt khắp nơi trên thế giới.

Simpleflying cho rằng việc gia nhập kinh doanh hàng không dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hãng bay nhỏ ở châu Âu chết dần. Việc đăng ký kinh doanh một hãng hàng không mới nhanh chóng và rẻ hơn so với trước đây. Cuộc chơi của các hãng hàng không do đó trở chật chội, cạnh tranh khốc liệt, một loạt các hãng nhỏ không thể trụ lại.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn