Trước cuộc đối thoại lịch sử về Olympic Pyeongchang, Hàn Quốc cho biết một trong những nội dung đàm phán là hai bên có diễu hành cùng nhau dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc thế vận hội hay không.
Theo Yonhap News, tại thế vận hội mùa đông 2006 ở Turin, Italy, lá cờ này từng xuất hiện. Đó cũng là lần đầu tiên Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành chung tại một sự kiện thế vận hội mùa đông, dù trước đó họ từng làm điều tương tự trong các sự kiện khác, như thế vận hội mùa hè Athen 2004.
Lá cờ bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1991, khi Triều Tiên và Hàn Quốc thi đấu như một đội tại Giải vô địch bóng bàn thế giới lần thứ 41 tại Chiba, Nhật Bản và Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới lần thứ 8 tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Quyết định lập đội chung năm 1991 trải qua 22 lần đối thoại kéo dài khoảng 5 tháng, theo BBC.
Lá cờ được thiết kế để đại diện cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên và Hàn Quốc tham gia với tư cách một đội trong các sự kiện thể thao. Với nền trắng và trung tâm là hình bán đảo Triều Tiên màu xanh, là cờ này không phải là cờ chính thức ở bất cứ bên nào.
Bên cạnh các sự kiện thể thao, lá cờ bán đảo Triều Tiên từng xuất hiện tại biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun thăm chính thức Triều tiên năm 2007.
Video: Hàn Quốc lo Olympic mùa đông lạnh nhất trong 20 năm
Quyết định diễu hành chung tại Olympic mùa đông năm 2006 được đưa ra chỉ vài ngày trước sự kiện, những người mang cờ của hai bên lần lượt được thay thế bằng vận động viên trượt băng tốc độ Lee Bo-ra từ Hàn Quốc và vận động viên trượt băng nghệ thuật Han Jong-in đến từ Triều Tiên.
“Tôi ngạc nhiên khi nghe tin từ huấn luyện viên”, Lee Bo-ra, lúc bấy giờ 20 tuổi cho biết. "Tôi không nghĩ đến diễu hành chung và chưa bao giờ mơ được là mình lại trở thành người cầm cờ".
Tại buổi lễ, với lá cờ bán đảo Triều Tiên, đoàn Triều Tiên - Hàn Quốc với tên Korea bước vào ở vị trí thứ 21 trong tổng số 82 đoàn tham dự. Lee nhớ lại, lá cờ rất nặng và Han Jong-in gần như đỡ toàn bộ còn cô chỉ đặt tay lên trên cán cờ.
Dù vậy, từ đó về sau, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn chưa tổ chức được một lần diễu hành chung trong bất kì sự kiện thể thao quốc tế nào do những căng thẳng địa chính trị kéo dài trong khu vực, theo Yonhap.
Với Olympic mùa đông năm 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc, hy vọng về một sự kiện tương tự lại lên cao vì cả hai bên đều đang trong trạng thái mềm mỏng.
Trong bài phát biểu đầu năm mới, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết ý định gửi đoàn đến tham dự thế vận hội, từ đó dẫn đến cuộc đối thoại cấp cao tổ chức ngày 9/1 và đường dây nóng giữa hai bên mở lại sau thời gian dài gián đoạn.
"Dù 12 năm trôi qua nhưng trải nghiệm đó vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong tâm trí tôi", Lee nói, sau khi giải nghệ năm 2015, cô đang làm công việc dạy học ở Chuncheon, Gangwon.
"Tôi muốn nhìn thấy Hàn Quốc – Triều Tiên diễu hành chung tại Thế vận hội mùa đông một lần nữa. Sẽ càng ý nghĩa hơn nếu đội Korea là đội cuối cùng bước vào với tư cách chủ nhà", Lee nói.
Bình luận