Đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc hôm nay lên đường tới làng đình chiến Bàn Môn Điếm để đàm phán với Triều Tiên với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa hạt nhân kéo dài nhiều năm qua.
Trước khi lên đường, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myung-gyun bày tỏ hy vọng cuộc trao đổi lần này sẽ góp phần cải thiện quan hệ hai miền.
Tuy nhiên, Nicholas Eberstadt, chuyên gia kinh tế chính trị tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể thất thế trước Triều Tiên trong cuộc đàm phán quan trọng này, theo NYTimes.
Eberstadt chỉ ra rằng khi dàn xếp cuộc đàm phán, Triều Tiên thu được thắng lợi đầu tiên khi buộc Hàn Quốc phải chịu nhượng bộ, trong khi họ không có bất cứ động thái đáp lễ nào.
Ý tưởng về cuộc đàm phán được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong bài phát biểu mừng năm mới, khi ông nói rằng "ngay bây giờ" là thời điểm để hai bên gặp mặt nhằm "cải thiện quan hệ song phương và có các biện pháp quyết định để đạt được đột phá cho giải pháp thống nhất độc lập mà không bị ám ảnh bởi quá khứ".
Cái cớ để Triều Tiên đột ngột đề xuất đàm phán là việc họ muốn tham dự Thế vận hội Mùa đông sắp diễn ra ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cái cớ này không hợp lý, bởi việc Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội lần này được thông báo rộng rãi từ năm 2011 và bài phát biểu mừng năm mới của ông Kim cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước đó.
Cách giải thích hợp lý duy nhất là với việc bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán ngay trước thềm Thế vận hội, Triều Tiên áp đặt một hạn chót rất gấp gáp cho Hàn Quốc.
Theo Eberstadt, đây là kiểu chính sách đối ngoại "tôi bảo, anh làm", cho thấy ai mới là kẻ trên cơ trong tiến trình đàm phán. Chiến thuật này đôi khi còn khiến đối thủ bị dồn ép đến mức vội vàng đưa ra những quyết định sai lầm.
Video: Triều Tiên nói chế được thuốc làm từ vàng, chữa được ung thư
Chính phủ Hàn Quốc, với mong muốn nối lại đối thoại với Triều Tiên, ngay sau đó hối hả lên kế hoạch để đáp ứng thời gian biểu mà ông Kim đưa ra và tự đưa mình vào thế bất lợi. Seoul thậm chí còn yêu cầu Mỹ hoãn tập trận chung thường niên đến sau Thế vận hội.
Giới chuyên gia cho rằng Seoul muốn cho Bình Nhưỡng thấy thiện chí của mình trước đàm phán, nhưng cách họ phát đi tín hiệu lại hoàn toàn sai lầm, bởi nó có thể khiến đối phương coi như một biểu hiện của sự yếu đuối và khiến đoàn đàm phán Triều Tiên đặt mục tiêu cao hơn trong hội đàm. Nói cách khác, chính phủ Hàn Quốc có một khởi đầu tồi, ít nhất là về mặt chiến thuật.
Mắt xích yếu nhất
Các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên chìa cành ô-liu với Hàn Quốc vào thời điểm này tiềm ẩn những toan tính chiến lược của Bình Nhưỡng. Các cố vấn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể coi Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất có thể đột phá trong sợi dây mà cộng đồng quốc tế đang siết chặt quanh Triều Tiên vì chương trình tên lửa, hạt nhân nước này.
Tân Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc là người ủng hộ chính sách "ánh dương", thiên về hòa giải với Triều Tiên thông qua các biện pháp hợp tác kinh tế, giảm căng thẳng và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau. Chính sách này từng được một số người tiền nhiệm của ông Moon áp dụng, nhưng đều không thể hiện được hiệu quả.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung vào năm 2000 bí mật trả cho cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il hàng trăm triệu USD để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hai miền. Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo là Roh Moo-hyun cũng gây căng thẳng với đồng minh Mỹ khi tìm cách đóng vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng. Những cuộc đàm phán với Triều Tiên rốt cuộc đều đổ vỡ và Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của mình.
Từng là cố vấn cấp cao của ông Roh trong thời kỳ đó, đương kim Tổng thống Moon có những cải biến trong chính sách ánh dương để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Ông thúc đẩy việc xây dựng lá chắn tên lửa, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn với Mỹ trong việc thực thi các lệnh cấm vận quốc tế với Triều Tiên bất chấp căng thẳng trong quan hệ với Tổng thống Donald Trump. "Tôi sẽ không thúc ép đàm phán một cách ngây thơ như trước đây", ông Moon tuyên bố tuần trước.
Tình cảnh với Triều Tiên hiện nay cũng không còn như trước đây. Họ giành được thắng lợi tinh thần quan trọng khi tuyên bố sở hữu tên lửa mang đầu đạn nhiệt hạch có thể bao phủ lãnh thổ Mỹ, nhưng cũng hứng chịu đòn giáng nặng nề từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay của Liên Hợp Quốc.
Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài nguyên dầu mỏ nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Bắc Kinh mới đây tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu dầu và các loại kim loại tới Bình Nhưỡng theo nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc. Nhìn bên ngoài, Triều Tiên dường như không bị ảnh hưởng mấy bởi các lệnh cấm vận quốc tế, nhưng với việc bị phong tỏa như hiện nay, Bình Nhưỡng chắc chắn đang phải dùng đến các nguồn lực dự trữ tối cần thiết của mình.
Trong hoàn cảnh đó, Hàn Quốc và Tổng thống Moon dường như là hy vọng duy nhất của Triều Tiên để giảm bớt áp lực cấm vận của cộng đồng quốc tế. Các chương trình kinh tế theo chính sách ánh dương của Seoul sẽ phần nào giúp Bình Nhưỡng giảm bớt khó khăn, trong khi Hàn Quốc có thể bãi bỏ hoặc ít nhất là phớt lờ các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng dường như đang tập trung khai thác vào mắt xích này. Truyền thông Triều Tiên chưa dùng bất cứ từ ngữ xúc phạm nào đối với ông Moon, trong khi họ từng sử dụng những cụm từ cay nghiệt nhất để chỉ trích cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay ông Trump.
Eberstadt cho rằng các nhà thương thuyết Triều Tiên đều là những bậc thầy trong nghệ thuật đàm phán "tôi thắng – anh thua" và họ nhiều khả năng sẽ giăng ra những chiếc bẫy để phái đoàn Hàn Quốc sa vào trong cuộc hội đàm được tổ chức gấp gáp.
Để tránh những chiếc bẫy này, các quan chức Hàn Quốc phải xác định được mục tiêu đàm phán tối thượng của Triều Tiên và yêu cầu "có đi có lại" đối với bất cứ thỏa thuận nào được đưa ra. Chẳng hạn như nếu Seoul phải hoãn các cuộc tập trận, Bình Nhưỡng cũng phải có động thái tương xứng để đáp lễ.
Bình luận viên này cho rằng ngoài yêu sách đàm phán, các đại diện Hàn Quốc còn phải "lận lưng" một số mánh khóe để đối phó với các chuyên gia thương thuyết của Triều Tiên, chẳng hạn như tự tin nói rằng đa số người dân Hàn Quốc đang ủng hộ việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước này để đối phó với Triều Tiên.
Những đòn "tung hỏa mù" kiểu này sẽ khiến các quan chức Bình Nhưỡng khó chiếm được thế thượng phong trong đàm phán. Các nhà thương thuyết Hàn Quốc thường ít kinh nghiệm với các chiến thuật đàm phán như vậy để lật ngược thế cờ, nhưng họ cần phải bắt đầu áp dụng để đối phó hiệu quả với Triều Tiên, Eberstadt nhận định.
Bình luận