Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô của thành phố Hà Nội vẫn đang là chủ đề ''nóng'', thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong thời gian gần đây.
Trả lời VTC News về đề án gây tranh cãi này, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quan điểm hạn chế xe máy và xe ô tô cá nhân vào nội đô là chủ trương rất đúng và phải quyết tâm làm bằng được và người dân nên đồng tình. Tuy nhiên, đề án này cũng phải có giải pháp và lộ trình rõ ràng để tránh xáo trộn xã hội.
- Sau một thời gian im ắng, đề án hạn chế xe máy cũng như phương tiện cá nhân đi vào nội đô của thành phố Hà Nội lại khiến dư luận "dậy sóng", thưa ông?
Theo tôi, quan điểm hạn chế xe máy và ô tô cá nhân vào nội đô là một chủ trương rất đúng và phải quyết tâm làm bằng được để chống ùn tắc giao thông.
Ở nước ta hiện nay, ùn tắc giao thông gây lãng phí xã hội rất lớn, không thể tính hết được. Các quốc gia khác như Nhật Bản, người ta còn tính từng giờ đến từng phút, từng giây, chỉ chậm hay sớm vài giây người ta cũng không đồng ý, còn mình tắc cả tiếng, vài tiếng đồng hồ... như vậy lãng phí xã hội rất lớn.
Chủ trương hạn chế xe máy, xe cá nhân vào nội đô để giảm ùn tắc là rất đúng, nhưng vấn đề là giải pháp làm sao và lộ trình thế nào thì phải rất rõ ràng và phải thực hiện một cách cương quyết.
Quan điểm hạn chế xe máy và ô tô cá nhân vào nội đô là một chủ trương rất đúng và phải quyết tâm làm bằng được để chống ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh
- Tuy nhiên, chủ trương này vẫn gây nhiều tranh cãi, thưa ông?
Từ “cấm” đôi khi hay dễ tạo ra sự không đồng thuận.
Quan điểm của tôi phải nói rõ là không nên nói "cấm'' mà nên là ''hạn chế'', và việc hạn chế này không phải chỉ đối với xe máy mà còn là cả với các phương tiện cá nhân khác như ô tô.
- Theo ông, để có thể hạn chế xe máy cũng như các phương tiện cá nhân đi vào nội đô, Hà Nội sẽ phải có những giải pháp cụ thể nào?
Giải pháp hàng đầu là phải thực hiện nghiêm ngặt về quy hoạch đô thị. Theo tôi, vấn đề này có thể dùng từ ''cấm''. Hà Nội phải công khai tuyên bố cấm, không cho xây dựng nhà cao tầng trong lõi, trong một số quận nội thành cũ và việc cấm này phải thông báo công khai.
Hiện nay, ta chưa làm được thế, trong vùng lõi thành phố vẫn xây nhà cao tầng, chung cư 20 – 30 tầng, thậm chí cao hơn. Hạn chế phương tiện cá nhân nhưng lại xây chung cư như thế, đương nhiên người dân đến ở thì phải đi lại rồi.
Phải sắp xếp lại đô thị, vấn đề nữa là các trường đại học không nên để trong nội đô nữa, các công sở cũng vậy, phải giảm tải đi, phân tán đi ra ngoại ô hoặc các tỉnh lân cận thì mới được.
Quy hoạch đô thị là quan trọng, phải dành nhiều hơn nữa cho giao thông, nhanh chóng hoàn thành đường trên cao, những tuyến Metro, tàu điện ngầm, nếu không thì rất gay go.
Một đô thị ngót nghét 20 triệu dân mà không nghĩ đến những cái đó là không được. Việc hàng đầu phải là quy hoạch, trước khi nghĩ đến giao thông công cộng.
Tiếp đó, thành phố phải đưa ra những giải pháp, công khai cho người dân biết và lộ trình phải hết sức rõ ràng. Còn nếu không đưa ra những thứ đó mà nói ngay đến cấm thì dễ làm cho dự luận hoang mang, tạo dư luận xã hội không tốt.
Chẳng hạn, hiện nay phục vụ người dân thì giao thông đô thị, giao thông công cộng mới đáp ứng được từ 8 – 10% thôi, nhưng đến năm 2020 – 2030 phải đáp ứng được mấy chục phần trăm, bằng bao nhiều đầu xe buýt nhanh, bao nhiêu xe buýt thường?...Phải nói rõ và cái này phải tính toán hẳn hoi chứ không phải là nói miệng.
Các nhà khoa học, các chuyện gia sau đó phải thẩm định đúng hay không chứ không chỉ các nhà quản lý nói chung chung được.
Một vấn đề nữa là phương tiện giao thông công cộng đi lại phải thuận tiện. Dân Việt Nam cũng có thói quen lười đi bộ. Tuy nhiên, để người đi bộ phải chịu khó đi nửa km đến 1 km chứ cũng đừng để người dân đi 3- 4km thì cũng không ổn.
Nhất là đô thị Hà Nội hiện giờ rất nhiều ngõ ngách, người ta đi mãi mà không tìm được là không ổn. Nếu thấy thuận tiện, rẻ thì người ta sẽ đi. Không ai dại gì vác xe máy, vác ô tô đi rồi lại tắc lại trên đường.
Vide: Cấm xe máy đi vào nội đô thế nào?
- Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương. Theo ông, kế hoạch này liệu có khả quan?
Phải sắp xếp lại giao thông, nó thuộc thẩm quyền của các nhà quản lý và phải cương quyết bằng được như thế chứ đừng cấm.
Ví dụ bây giờ cấm xe máy ở đường Lê Văn Lương không cho đi nữa thì buộc người dân họ sẽ đi sang đường Nguyễn Trãi hoặc những đường khác, chắc chắn không thể cấm cả 2 đường một lúc được vì sẽ gây hỗn loạn giao thông ngay.
Tôi lấy ví dụ ở quê tôi Chương Mỹ, sáng ra có hàng ngàn xe máy từ đây đi vào nội thành, chiều tối lại hàng ngàn xe máy chạy về, 2 trục đường xương sống rất quan trọng và toàn xe máy chạy.
Nếu tổ chức được tốt, phương tiện công cộng tốt, nhất là xe buýt chạy thì chắc chắn người ta sẽ bỏ xe máy.
Còn nếu chưa phục vụ đủ mà cấm xe máy để tạo điều kiện cho xe buýt và đường sắt trên cao có khách, do không tổ chức giao thông tốt mà dồn khách thì người dân sẽ cho rằng đó là bắt bí người dân thì không được.
Khi tổ chức thật tốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thì không cần cấm người dân tự sẽ tự sử dụng giao thông công cộng.
- Với thực trạng giao thông hiện tại ở Hà Nội, phải có lộ trình thế nào để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô?
Cái này phải nhờ các chuyên gia tính toán và công bố công khai, sau đó sẽ có các cơ quan thẩm định lại và người dân cũng sẽ thẩm định lại, chứ không thể đoán mò.
Tôi tin là các vị chuyên gia cũng đã tính rồi, nhưng phải công bố công khai.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là phải tuyên truyền thật rộng hiệu quả của xe buýt, của BRT hay tàu điện trên cao.
Phải công bố rộng rãi ra và lộ trình đến năm nay sẽ như thế này, đến năm sau sẽ đáp ứng được như thế này. Người dân nghe thấy như vậy, thấy được chính quyền lo cho dân và sẽ thực hiện.
- Ông có nhắc đến thói quen lười đi bộ của người dân Việt Nam ở các đô thị, phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc hạn chế xe cá nhân trong nội đô?
Cái đó rất đúng, người Việt Nam rất lười đi bộ, có khi người ta đi chợ chỉ vài trăm mét cũng lấy xe máy để chạy. Phải phê phán, thậm chí châm biếm để người dân thay đổi thói quen này.
Ở ta, cứ đến 18 tuổi thì hầu như ai cũng có xe máy, có phương tiện cá nhân. Tôi không có số liệu cụ thể nhưng cứ nhìn từ gia đình mình, đủ 18 tuổi là đã có xe máy hết rồi, ông bà già 70 cũng đi xe máy. Đó là vì xe máy thuận tiện, nên họ cứ đi.
Nên bây giờ phải có gì thuận tiện hơn nữa cho người dân. Cùng với đó phải có cơ chế để cưỡng bức chứ không phải thả lỏng tất cả. Nhưng mà không phải cưỡng bức bằng biện pháp hành chính đơn thuần mà cưỡng bức ở chỗ chúng ta có chính sách rất tốt và chúng ta đã tuyền truyền cho người dân.
- Còn cấm mà không tạo điều kiện cho người dân thì không ổn, thưa ông?
Tôi lấy ví dụ khi thực hiện đường đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, người dân đều đồng ý ngay, vì thành phố tổ chức tốt việc những việc như việc có chỗ gửi xe, và chỗ để người dân thăm thú..
Còn cấm mà không tạo điều kiện cho người dân thì không ổn. Chính quyền phải như thế, phải phục vụ người dân chứ không thể nào cấm đoán được, nhất là bây giờ kinh tế phát triển, đừng để nhiễu loạn giao thông đô thị.
Hiện nay giao thông đô thị đang bắt đầu nhiễu loạn do không tổ chức quản lý tốt và không phát triển được.
Thêm nữa là hiện nay không có chế tài đủ mạnh cho những kẻ phá rối giao thông nên càng rối loạn. Không có đô thị nào xe máy mà lại đi lẫn với ô tô, “chen vai thích cánh” với nhau như vậy, và đến giờ này ô tô thậm chí còn lấn cả xe máy.
Tóm lại theo tôi, về chủ trương hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn đúng và phải làm rõ cho dân, cùng với đó người dân phải đồng tình chứ đừng phá đám việc này.
Chính quyền đưa ra giải pháp thì phải tham gia dưới góc độ xây dựng chứ không phải phá đám. Ngược lại, nếu muốn người dân tham gia dưới góc độ xây dựng thì bản thân những người có trách nhiệm phải đưa ra lộ trình thuyết phục, chứ không được vội vàng.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận