(VTC News) - Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, hạn chế xe máy thể hiện tầm nhìn cho tương lai, Đà Nẵng nên làm càng sớm càng tốt.
Xung quanh chủ trương hạn chế xe máy tại Đà Nẵng và các thành phố khác được Chính phủ đưa ra thời gian qua, VTC News đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng về chủ trương này.
Xung quanh chủ trương hạn chế xe máy tại Đà Nẵng và các thành phố khác được Chính phủ đưa ra thời gian qua, VTC News đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng về chủ trương này.
- Là đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, quan điểm của bà như thế nào về việc Đà Nẵng triển khai hạn chế xe máy và áp dụng xe đạp công cộng?
Hiện Đà Nẵng chưa đưa vấn đề này ra bàn thảo ở HĐND, nhưng đây là một vấn đề thể hiện tầm nhìn cho tương lai. Đối với một thành phố phát triển, văn minh, hiện đại luôn lấy các tiêu chí như an toàn giao thông, môi trường, bộ mặt đô thị... làm tiêu chuẩn đánh giá.
Theo TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng |
Việc hướng đến để trở thành thành phố có chất lượng cuộc sống tốt, an toàn, đáng sống không chỉ của Đà Nẵng mà còn nhiều thành phố khác. Chúng ta cần có lộ trình để tiến đến mục tiêu này. Không chỉ dừng lại ở hạn chế xe máy mà phải có một chuỗi hành động để trở thành một thành phố văn minh, văn hóa, hiện đại và an toàn.
Một loạt các bài học ở những quốc gia phát triển là việc phát triển quá nóng, quá nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy mà đến nay muốn thay đổi rất khó, nên khi chúng ta còn có thể thay đổi được thì nên làm và làm ngay từ bây giờ sẽ tốt hơn.
Thực hiện sớm sẽ giúp chúng ta giảm được ngân sách, hạn chế được ảnh hưởng đến xã hội. Và việc thực hiện sẽ khó hơn khi dân cư phát triển đông, diện tích đất đô thị ngày càng hạn hẹp và quan trọng hơn là thói quen tiêu dùng ăn sâu trong người dân.
Với chủ trương này, tôi hoàn toàn ủng hộ, vì thực hiện sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Mà đã mang lại lợi ích cho người dân thì có khó cũng phải thực hiện.- Điều dễ nhận thấy là tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các đô thị lớn nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng xấu hơn. Theo bà giao thông Đà Nẵng đang đối mặt với những vấn đề gì?
Nếu so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì giao thông Đà Nẵng còn khá lý tưởng. Nhất là tình hình kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Ở các thành phố này, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho việc đi lại và chi phí đối phó với ô nhiễm.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là Đà Nẵng đã tốt, không cần thay đổi. Nếu không có có biện pháp thì Đà Nẵng cũng sẽ không khác gì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Điều dễ thấy nhất là Đà Nẵng đã và đang xảy ra kẹt xe cục bộ ở một số giao lộ, đầu nút giao thông vào giờ tan sở và tan học. Và tình trạng ùn tắc giao thông tại các cổng trường mỗi khi tan học là hiện hữu.
- Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
Với mật độ dân số hiện tại khoảng 800 ngàn dân thì hạ tầng giao thông Đà Nẵng còn chịu được, nhưng tương lai, khi diện tích dành cho giao thông không tăng, trong khi dân số tăng thì việc Đà Nẵng thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân là điều cấn thiết. Nhất là đối với phương tiện xe máy, làm càng sớm, càng tốt.
Quy mô dân cư và số lượng xe máy ngày càng tăng lên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngày càng phức tạp |
- Khi thực hiện hạn chế xe máy, đô thị Đà Nẵng sẽ đối mặt với những vấn đề gì, thưa bà?
Trước tiên, chúng ta phải thống nhất quan điểm là thực hiện chủ trương này không nên bắt buộc bằng mệnh lệnh hành chính mà phải làm để người dân thấy có lợi hơn so với sử dụng xe máy và họ sẽ tự thay đổi.
Cái lợi này phải xuất phát từ chính sự thụ hưởng của người dân, ví dụ như: chi phí đi lại giảm xuống, nhưng sự tiện ích vẫn không bị ảnh hưởng nhiều; người dân cảm nhận được sự văn minh hơn khi sử dụng phương tiện công cộng thay thế… Và họ không chỉ thấy lợi cho cá nhân mình mà thấy lợi cho thành phố, lợi cho xã hội. Từ đó người dân sẽ thay đổi, sự thay đổi từ trong chính nhận thức thì mới bền vững.
Thực hiện việc này chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Thực hiện ngay sẽ khó, nhưng sẽ khó hơn và rất khó thực hiện nếu chúng ta để lâu hơn. Nhất là khi văn hóa xe máy ăn sâu, bám rễ chặt trong lối sinh hoạt của người dân. Và càng khó hơn nữa khi số lượng dân cư mỗi ngày một đông hơn, kéo theo phương tiện tăng lên nhanh chóng.
Hạn chế xe máy đồng nghĩa với việc phải tăng phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông khác tốt hơn xe máy. Nếu sử dụng xe buýt và xe đạp thì lòng đường, vỉa hè sẽ phải thông thoáng hơn để nhường đường cho các phương tiện này. Trong khi đó hiện nay, lòng đường hiện tại đang bị lấn chiếm quá nhiều, không còn cả lối đi cho người đi bộ.
Thêm nữa là những thay đổi lớn mang tính toàn diện của một đô thị. Bất cứ một chủ trương mới nào được đưa ra, cũng đều không thể đáp ứng được toàn bộ các đối tượng người dân và nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt khi thay đổi.
Chúng ta cần một diện tích đất đủ để quy hoạch, bố trí bãi đỗ xe, phân tuyến, làn cho xe đạp, xe buýt và ngân sách để đầu tư. Mà việc này cần nghiên cứu sớm để có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện tốt được.
Đó là các đối tượng xe ôm, xe thồ hàng, những hộ buôn bán nhỏ; cuộc sống mưu sinh; thói quen tiêu dùng bị thay đổi. Chúng ta cần có phân loại đối tượng, khảo sát mong muốn của họ, từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề phù hợp, đảm bảo sinh kế cho họ. Thậm chí nếu cần thì cấp phép riêng biệt cho số đối tượng này. Và còn nhiều vấn đề phải đối mặt khi bắt tay vào cuộc.
Nói vậy, nhưng nếu chúng ta có một nghiên cứu, đánh giá toàn diện, lập lộ trình và công bố công khai rõ ràng, phù hợp, có học hỏi từ các quốc gia tiên tiến thì sẽ thực hiện tốt chủ trương.
- Vậy Đà Nẵng nên chuẩn bị những gì để thực hiện tốt chủ trương trên?
Chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều vấn đề. Trước hết phải nghiên cứu, lấy ý kiến sâu rộng từ nhân dân đến các nhà chuyên môn và học hỏi các quốc gia trên thế giới. Từ đó xây dựng đề án, lộ trình cụ thể nhằm tránh lãng phí thời gian và ngân sách. Tiếp đó là công bố công khai cho toàn thể nhân dân được rõ và thực hiện.
Có lẽ nên chuẩn bị từ bây giờ, chuẩn bị từ đất đai; quy hoạch giao thông theo định hướng này, quy hoạch lại vỉa hè; chuẩn bị ngân sách; chuẩn bị tâm lý cho người dân, nhất là đối tượng sử dụng xe máy làm kế sinh nhai; chuẩn bị kênh tuyên truyền, ghi nhận ý kiến phản hồi, khuyến khích người dân,… Tất cả cần phải được tính toán, càng chi tiết, cụ thể càng đạt được kết quả tốt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, việc hạn chế xe máy không nên dùng mệnh lệnh hành chính mà phải xuất phát từ việc người dân thấy có lợi hơn khi sử dụng phương tiện có chi phí rẻ hơn, văn minh hơn |
- Theo bà, sau khi hạn chế, chúng ta có nên cấm luôn đối với phương tiện này hay không?
Theo tôi không nên cấm, điều này các nước phương tây họ cũng không cấm. Vì đây là một vấn đề mang phạm trù ý thức và quyền tự do của người dân. Chúng ta khuyến khích, hướng người dân sử dụng một loại phương tiện khác tiện lợi hơn, văn minh hơn và quan trọng là rẻ hơn.
Như tôi đã nói, đây là một giải pháp mang tính tổng thể, thay đổi gần như toàn bộ bộ mặt đô thị từ thói quen đi lại, ứng xử, thậm chí tập tục buôn bán của người dân nhiều năm qua.
- Nếu Đà Nẵng phát triển xe buýt hiện đại, bà có thay đổi thói quen đi lại? Cụ thể là chuyển từ sử dụng bằng phương tiện giao thông cá nhân sang đi xe buýt, hay xe đạp chẳng hạn?
Nếu Đà Nẵng thực hiện tốt chủ trương này, tôi sẽ là người đầu tiên, xung phong tham gia và sử dụng phương tiện này để đi lại. Không chỉ vậy, tôi sẽ tuyên truyền để những người thân, bạn bè của tôi sử dụng xe buýt.
Bởi lẽ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, tôi được lợi rất nhiều thứ. Từ chi phí đi lại được giảm xuống; kế hoạch thời gian đi lại không phải lo lắng; không phải lo căng thẳng tránh xe máy; có thêm cơ hội giao tiếp; thành phố nơi tôi sinh sống và làm việc yên bình và sạch sẽ hơn; và điều quan trọng là sức khỏe của tôi được tăng cường hơn khi được đi bộ và xe đạp nhiều hơn.
- Xin cảm ơn bà!
» Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
» Cấm xe máy: 5 thành phố lớn sắp đưa ra lộ trình
» Xe máy ế ẩm, có nên tranh thủ cấm?
Bửu Lân (thực hiện)
» Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
» Cấm xe máy: 5 thành phố lớn sắp đưa ra lộ trình
» Xe máy ế ẩm, có nên tranh thủ cấm?
Bửu Lân (thực hiện)
Bình luận