• Zalo

Hai trường hợp có thể xảy ra với cơn bão số 14 khi vào đất liền

Thời sựThứ Bảy, 18/11/2017 21:54:00 +07:00Google News

Ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cơn bão số 14 có 2 kịch bản xảy ra khi vào đất liền.

Ngày 18/11, ông Lê Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, bão số 14 (tên quốc tế Kirogi) hiện mạnh lên cấp 8, có tốc độ di chuyển nhanh.

Theo ông Hải, tối cùng ngày, bão số 14 có thể mạnh lên cực đại, đạt cấp 8-9, giật cấp 10-11 và đi vào vùng biển phía bắc của quần đảo Trường Sa. Nhận định về con bão, ông Hải đưa ra 2 trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp 1 là sáng 19/11, bão số 14 đạt cực đại cấp 8 đến cấp 9 và đổ bộ trực tiếp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

11122......

 Hướng di chuyển của cơn bão số 14. 

Trường hợp 2 là lúc vào ven bờ, bão có thể vẫn ở cấp 8 hoặc suy yếu. Khi tới sát bờ, giảm thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7.

Ông Hải cảnh báo, từ đêm 18/11 đến hết trưa 19/11, gió hoạt động mạnh, gây ra đợt mưa ở Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và khu vực ven biển ở Nam Bộ.

Bên cạnh đó, vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ (từ Phú Yên đến Cà Mau) có thể xuất hiện giông lốc nguy hiểm.

Cũng theo ông Hải, ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh, từ đêm 18 đến 22/11, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận đề phòng sạt lở đất.

Video: Bão số 14 lại hoành hành các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ

Trước đó, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 14 nên từ đêm nay (18/11), ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.

Bắt đầu từ đêm mai, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).

Cảnh báo từ ngày 19 - 24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai khả năng xuất hiện một đợt lũ mới.

Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2, trên các sông suối nhỏ lên trên báo động 3.

Vào hồi 13h cùng ngày, vị trí tâm bão số 14 ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 450 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.

Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km. Đến 1h ngày 19/11, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 10.

Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh.

Đồng thời trên đất liền, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9.

Video: Bão số 13 vào đất liền với cấp 12-13

Quang Anh
Bình luận
vtcnews.vn