• Zalo

Hải quân Trung Quốc theo dõi tàu chiến Mỹ bằng ảnh vệ tinh miễn phí

Quân sựThứ Tư, 17/07/2024 10:07:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà khoa học hải quân Trung Quốc vừa tìm ra cách theo dõi tàu chiến Mỹ bằng ảnh vệ tinh chất lượng thấp mà ai cũng truy cập được.

Các nhà khoa học hải quân Trung Quốc vừa tiết lộ một phương pháp xác định và theo dõi các tàu chiến Mỹ trên toàn cầu bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh chất lượng thấp, miễn phí và ai cũng truy cập được.

Các bức ảnh vệ tinh trên có độ phân giải rất thấp, tức là một con tàu lớn có thể chỉ chiếm một pixel hoặc thậm chí ít hơn, khiến nó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

Tuy nhiên, một nhóm do nhà nghiên cứu Hong Jun thuộc Học viện Hải quân Đại Liên dẫn đầu cho biết họ đã phát hiện ra một tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga và một tàu khu trục lớp Arleigh Burke từ những hình ảnh này.

Phương pháp của họ tập trung vào việc phân tích sóng nước để lại phía sau các con tàu, một kỹ thuật đơn giản mà hầu hết mọi quốc gia hoặc tổ chức đều có thể sử dụng. Các tàu khác nhau tạo ra các dạng sóng riêng biệt trên mặt biển, tương tự như dấu vân tay.

USS Dwight D. Eisenhower thuộc lớp Nimitz đi qua kênh đào Suez, tháng 11/2023. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

USS Dwight D. Eisenhower thuộc lớp Nimitz đi qua kênh đào Suez, tháng 11/2023. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tuy nhiên, việc xác định chính xác mỗi mẫu tàu chiến cụ thể của Mỹ đòi hỏi phải sử dụng các thông số nhạy cảm.

Trong một bài báo được bình duyệt đăng trên tạp chí học thuật Mô phỏng Máy tính vào tháng 4, Hong và các cộng tác viên của ông từ Học viện Tàu ngầm Hải quân cũng đã tiết lộ các thông số vật lý của họ. Nhóm nghiên cứu viết trong bài báo rằng, bằng cách sử dụng các thông số này và thuật toán được cung cấp trong bài báo, “về cơ bản có thể xác định được mô hình tàu chiến mục tiêu trong những điều kiện nhất định”.

Mỹ có hạm đội lớn nhất thế giới, nhưng nhiều tàu chiến của nước này được chế tạo với công nghệ và ý tưởng kế thừa từ thời Chiến tranh Lạnh. Các công nghệ mới nổi trong những năm gần đây đã cho phép nhiều quốc gia có được khả năng tấn công tiềm tàng đối với hạm đội Mỹ.

SCMP lấy ví dụ, lực lượng Houthi ở Yemen đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo chống hạm để tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trước khi nhóm tàu ​​sân bay này rời biển Đỏ vào tháng trước.

Mặc dù các cuộc tấn công gây áp lực lên các sĩ quan và binh sĩ quân đội Mỹ nhưng không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy lực lượng Houthi đã bắn trúng tàu chiến Mỹ.

Có thể nói, thông tin tình báo chính xác, kịp thời là điều kiện cần để đánh trúng tàu chiến đang di chuyển ở khoảng cách hàng trăm km.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới vệ tinh quan sát Trái đất rộng lớn. Theo truyền thông nhà nước đưa tin, dữ liệu do Giáo sư Li Deren, người nhận giải thưởng khoa học và công nghệ cao nhất đất nước năm nay tiết lộ, độ phân giải của các vệ tinh này có thể đạt tới 0,1 mét, ngang bằng với độ phân giải của vệ tinh tình báo Keyhole của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc đã phát triển cách theo dõi tàu chiến Mỹ bằng sóng để lại sau tàu. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Hải quân Trung Quốc đã phát triển cách theo dõi tàu chiến Mỹ bằng sóng để lại sau tàu. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Các vệ tinh mạnh mẽ của Trung Quốc không chỉ giám sát tàu chiến mà còn có thể theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tốc độ cao thông qua vết mây.

Đối với các quốc gia hoặc tổ chức không có năng lực quan sát tương tự, có những nền tảng cung cấp hình ảnh vệ tinh gần như thời gian thực miễn phí, mặc dù độ phân giải hình ảnh của chúng tương đối thấp.

Ví dụ, Worldview của Nasa có độ phân giải 250 m – tức là một pixel của hình ảnh này còn lớn hơn boong tàu sân bay lớp Ford, lớn nhất trong hải quân Mỹ. Tuy nhiên, vệt sóng của tàu có thể kéo dài tới hàng chục km. Đối với Hong và các đồng nghiệp, ngay cả những bức ảnh vệ tinh mờ nhất cũng có thể chứa thông tin hữu ích để xác định tàu.

Một trong những thách thức của họ là làm thế nào để trích xuất thông tin hữu ích từ nhiễu môi trường, khi mây và sóng thường che khuất các đặc điểm chính của dấu vết tàu chiến. Để giải quyết vấn đề này, họ trình bày chi tiết trong bài báo cách loại bỏ nhiễu và cho phép máy tính nhanh chóng phát hiện các mục tiêu.

Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng phương pháp này có thể thất bại khi mục tiêu di chuyển nhanh hơn 20 hải lý/giờ (37 km/h).

Hơn nữa, “dưới ảnh hưởng của gió và sóng mạnh, mối quan hệ chồng chất tuyến tính và phi tuyến tính giữa sóng biển và hiện tượng tàu nổi có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả”. Họ kết luận: “Phương pháp này vẫn cần được thử nghiệm và cải tiến với một lượng lớn dữ liệu thực tế”.

Thạch Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn