Tàu chiến Trung Quốc và Nga bắt đầu tuần tra chung ở Thái Bình Dương

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 06/07/2024 17:23:42 +07:00
(VTC News) -

Hải quân Nga và Trung Quốc bắt đầu cuộc tuần tra chung thường niên từ 4/7 ở Thái Bình Dương, với mục tiêu tăng cường hợp tác hải quân và duy trì hòa bình, ổn định.

Hải quân Nga và Trung Quốc bắt đầu cuộc tuần tra chung thường niên vào hôm 4/7. Ngày 5/7, theo Văn phòng Tham mưu Liên hợp Nhật Bản (JSO), đội tàu Nga - Trung sau khi đi qua eo biển Osumi đã ở trong khu vực Thái Bình Dương.

Đội tàu bao gồm tàu hộ tống RFS Sovershenny (số hiệu 333), tàu khu trục CNS Yinchuan (175), khinh hạm CNS Hengshui (572) và tàu chở dầu CNS Weishanhu (887).

Theo tuyên bố từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, "mục tiêu của cuộc tuần tra chung là tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, giám sát khu vực hàng hải và bảo vệ các cơ sở kinh tế hàng hải của Liên bang Nga và Trung Quốc". Nga không nêu cụ thể nhóm này sẽ hoạt động ở đâu.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một số tàu của Nhật Bản đã bám theo các tàu Nga và Trung Quốc, bao gồm tàu khu trục hộ tống Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản JS Jintsu (DE-230) và máy bay tuần tra biển P-1 thuộc phi đội không quân tại căn cứ Kanoya.

Đây là lần thứ 3 các tàu Nga-Trung cùng đi qua eo biển Osumi. Một nhóm tương tự đã đi qua khu vực vào năm 2022 và 2021, cả hai lần đều là khi diễn ra cuộc tuần tra chung thường niên giữa Nga và Trung Quốc.

Theo USNI, cuộc tuần tra hiện tại đã thu hẹp quy mô so với những năm trước, với sự tham gia của hơn 10 tàu từ hai lực lượng hải quân và diễn ra sau tập trận hải quân chung. 

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, từ ngày 27/6, Mỹ tổ chức tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024 trong 5 tuần tại Hawaii, đây được ví như “cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới”. Thành lập năm 1971 với ba nước ban đầu là Australia, Canada và Mỹ, RIMPAC 2024 quy tụ lực lượng vũ trang của 29 quốc gia, với mục tiêu tăng cường quan hệ đa phương và hiện thực hóa tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Phương Anh (Nguồn: USNI )
Bình luận
vtcnews.vn