Tờ PLA Daily đưa tin, đội tàu gồm tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou của Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các bài diễn tập cứu tàu bị hải tặc tấn công và phối hợp hoạt động chống hải tặc ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đi qua eo biển Miyako và kênh Bashi.
Đội tàu hộ tống số 35 vào biển Đông sau khi kết thúc chuyến diễn tập chống cướp biển trên vịnh Aden vào cuối tháng 4. Đội tàu này gồm 690 quân nhân và 2 trực thăng hỗ trợ cho 2 tàu Taiyuan và Jingzhou. Quân đội Trung Quốc nói rằng họ vẫn thực hiện nhiệm vụ bất chấp tình hình đại dịch COVID-19.
Sĩ quan Hải quân Trung Quốc Yang Aibin cho biết, hạm đội tập trung vào các cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng ứng phó với điều kiện trên biển và trên không.
“Để đối phó với tình hình mới của dịch bệnh COVID-19 và cướp biển ở khu vực, chúng tôi không ngừng cải thiện kế hoạch của mình và tiến hành nâng cao chuyên môn để tăng cường hơn nữa khả năng của hạm đội trong thực hiện nhiệm vụ hộ tống”, Yang Aibin nói.
Cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ đã điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến vùng biển này, khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tàu USS Barry cũng thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ từ lâu đã lên án Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự ở Biển Đông, triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở khu vực này.
Theo Collin Koh, nghiên cứu viên đến từ Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, có trụ sở tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cuộc diễn tập của Trung Quốc ở Trường Sa và việc họ nhắc đến đại dịch COVID-19 có vẻ hàm ý nói đến các hoạt động của Mỹ trên biển Đông.
“Đây là lần đầu tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou tham gia nhiệm vụ này. Do đó, đây là cơ hội để các tàu đó tiếp xúc với huấn luyện trên các vùng biển xa đến vùng Vịnh. Điểm khác biệt duy nhất lần này là việc điều tàu ra biển Đông, khiến cuộc diễn tập ở Trường Sa có ý nghĩa mới”, ông Collin Koh cho hay.
Ông Collin Koh cũng nhận định “Bắc Kinh rõ ràng có ý định phô trương sức mạnh qua việc triển khai lực lượng đặc nhiệm này để khẳng định các yêu sách của mình”.
Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hôm 19/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bình luận