Mạng xã hội những ngày qua xuất hiện clip về việc giáo viên phạt hai nam học sinh đánh nhau bằng cách yêu cầu hai bạn hôn vào má nhau để giảng hòa. Sự việc gây ra luồng ý kiến trái chiều. Trong đó nhiều người ủng hộ cách phạt dễ thương của cô giáo, nhưng cũng không ít quan điểm lo lắng sự việc có thể gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ, khiến trẻ hiểu nhầm về giới tính.
Nguy cơ hiểu nhầm giới tính?
Chị Huỳnh Thảo Nguyên (phụ huynh học sinh lớp 2 tại Hà Nội) cho rằng, hình thức phạt này đổi mới hơn với cách truyền thống như: học sinh đứng úp mặt vào tường, đứng tại chỗ suốt buổi học…
“Tôi ủng hộ cách này, học sinh chỉ cần đến ôm và thơm má bạn, sau đó thì cả hai sẽ hết xích mích và hoà bình, thân thiện với nhau như lúc đầu”, phụ huynh chia sẻ.
Trước thông tin nhiều người lo lắng hành vi ôm hôn bạn đồng giới ở trẻ theo hình thức ép buộc có thể gây ảnh hưởng suy nghĩ về giới tính ở trẻ nhỏ, chị Thảo Nguyên cho hay sự việc không đi xa như nhiều người tưởng tượng.
“Chỉ là tình huống hài hước để hai bạn cùng làm hòa với nhau thôi, người lớn không nên xé to vấn đề. Quan trọng là sau khi ôm nhau cả hai bạn đã làm hòa, không còn giận dỗi nhau nữa”, chị bày tỏ.
Có con trai đang học lớp 5 một trường tiểu học tại Hà Nội, anh Vũ Văn Kiên cho rằng giáo viên đưa ra hình thức phạt này cần nhìn nhận thấu đáo hơn về sự việc. Anh cho biết, con trai khá nghịch ngợm nên thỉnh thoảng gia đình nhận điện thoại của giáo viên chủ nhiệm về việc con đánh bạn.
“Cô giáo báo để phối hợp cùng với gia đình quan tâm, giáo dục con ở nhà. Còn trên lớp cô đã hòa giải giữa hai bạn rồi, chủ yếu là bắt khoanh tay, cúi đầu rồi nói xin lỗi”, anh chia sẻ.
Về clip giáo viên để học sinh hôn má để giảng hòa, vị phụ huynh này lo lắng học sinh có thể hiểu nhầm về giới tính.
“Phạt đến mức ôm nhau là được rồi, bắt hôn má nữa thì hơi thái quá. Biết đâu còn vô tình hình thành tình yêu đồng giới ở trẻ thì sao", anh Kiên bình luận.
Cô giáo không tôn trọng học sinh
Liên quan đến sự việc trên, chuyên gia tâm lý học - TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam) cho biết, giáo viên khi đưa ra hình thức phạt học sinh cần dựa trên 3 nguyên tắc: Tính liên quan, tính tôn trọng và tính hợp lý.
Trong trường hợp này, cô giáo yêu cầu hai học sinh ôm hôn nhau, thể hiện sự thân thiện với nhau sau hành vi đánh nhau. Như vậy, giữa hình thức phạt và nguyên nhân của sự việc có sự liên quan, có ý nghĩa giáo dục liên quan đến lỗi.
“Ở tình huống này có thể cô giáo cho rằng cách giải quyết đó là nhẹ nhàng, đơn giản với học sinh để các em dễ thân thiện với nhau. Nhưng liệu cô có đang tôn trọng trẻ hay không? Trẻ có nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của cô không?”, TS Nam nhấn mạnh.
Theo chuyên gia tâm lý, ở cấp tiểu học học sinh bắt đầu có nhận thức về giới tính.
“Chúng ta đang đổi mới giáo dục, đưa giáo dục giới tính áp dụng với cả học sinh tiểu học. Trong đó dạy các em hiểu biết về các bộ phận của bản thân và không được để người lạ động chạm vào. Nhưng cô lại yêu cầu hai nam học sinh hôn má nhau trong khi các em không muốn thì không tôn trọng học sinh”, ông phân tích.
TS Trần Thành Nam cho rằng, hình phạt với học sinh cũng cần phải xem xét tính hợp lý như “Hai học sinh này hôn má nhau trước sự chứng kiến của cả lớp không? Cô giáo có tính đến việc trẻ bị bạn bè trêu chọc, bêu rếu sau khi phạt không?”.
Như vậy, từ một hình phạt ban đầu có vẻ rất liên quan và theo chiều hướng tích cực, nhưng cuối cùng khiến cho trẻ ngại ngùng, xấu hổ, cảm thấy không được tôn trọng hoặc gây ra những hệ lụy khác như không tin tưởng, oán giận cô, không hợp tác trong học tập…
“Có thể, hai học sinh vẫn thù hằn với nhau nhưng khi có mặt cô giáo thì tỏ ra thân thiện, còn sau lưng lại hẹn ra chỗ kín đánh nhau. Như vậy giáo viên vẫn không đạt được mục tiêu giáo dục là hòa giải”, TS Nam cho biết.
Nên áp dụng cách phạt gì?
Theo tiến sĩ Trần Thành Nam, thầy cô có thể sử dụng những hình phạt tích cực khác như yêu cầu cả hai em cùng làm nhiệm vụ gì đó, trong đó để hoàn thành công việc này cần phải có sự hợp sức của cả hai.
Cách đơn giản hơn là để cả hai bắt tay nhau, vỗ vai rồi cùng nói xin lỗi, không nhất thiết phải hôn lên má nhau để tạo sự thân thiện.
Trước ý kiến cho rằng cô giáo muốn thay đổi hình thức phạt nhẹ nhàng với học sinh hơn theo hướng tích cực, TS Nam bác bỏ: “Kỷ luật truyền thống dựa trên cơ sở làm trẻ thấy sợ, xấu hổ bằng cách quát mắng, đánh. Ở đây cô bắt hai bạn ôm hôn nhau trước cả lớp thì vẫn khiến trẻ ngượng ngùng, xấu hổ với bạn bè. Như vậy có khác gì phạt truyền thống”.
Ông cho rằng, việc cô giáo tung clip học sinh ôm hôn nhau lên mạng xã hội nếu như chưa có sự đồng ý của phụ huynh còn vi phạm Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Luật Trẻ em.
Trong đó, cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Quan điểm của bạn về hình thức phạt của cô giáo thế nào? Mời chia sẻ vào box bình luận bên dưới
Bình luận