Sáng 13/4, tại buổi thông tin về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra hai kịch bản về đại dịch COVID-19 có thể xảy ra.
Kịch bản đầu tiên biến chủng Omicron sẽ dần giảm độc lực, kết hợp miễn dịch từ tiêm vaccine và người mắc bệnh, số ca tử vong và bệnh nặng sẽ giảm. Nếu tình huống này xảy ra, Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động xã hội dần trở về bình thường, qua đó đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành. Ngành y tế sẽ tập trung vào nhóm nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền hay người cao tuổi...
Ở kịch bản thứ 2, khi hiểu biết về virus SARS-CoV-2 chưa toàn diện, khả năng xuất hiện các biến thể mới có thể xảy ra. Trong khi chủng mới làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine khiến dịch lây lan mạnh và tăng nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp chống dịch cấp bách như từng làm trước đây.
“Như vậy, chúng ta sẽ xây dựng, chuẩn bị sẵn cho cả 2 kịch bản, đó là coi COVID-19 là bệnh lưu hành và sẵn sàn triển khai các biện pháp dự phòng, không để bị động nếu xuất hiện tình huống mới, chủng virus mới”, GS Lân nói.
Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi tuần tới
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi đầu tiên do Australia viện trợ. Lô vaccine này đang được kiểm định chất lượng. Dự kiến tuần tới, Bộ sẽ triển khai tiêm cho trẻ trên diện rộng. Việc tiêm sẽ thực hiện trước tiên với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.
Hai loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ là Pfizer (trẻ 5-11 tuổi) và Moderna (6-11 tuổi). Các loại vaccine này có phản ứng tương tự như tiêm cho trẻ 12-17 tuổi như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, tiêu chảy... Ngoài ra, trẻ có thể gặp các phản ứng ít gặp như buồn nôn, sưng đau tại chỗ tiêm và phản ứng rất hiếm gặp như phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Bà Hồng cho rằng không nên căn cứ vào tỷ lệ phản ứng thấp là bao nhiêu, mà luôn phải có tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xử lý kịp thời tất cả các tình huống xảy ra trong quá trình tiêm cho trẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo các phụ huynh, sau tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.
- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
- Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 30 phút.
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận