Dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long dài 5,5 km, gồm đường cao tốc trên cao và đường mở rộng bên dưới, điểm đầu từ cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối của tuyến đường giao với Cầu Thăng Long. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến gần 8.500 tỷ đồng.
Tuyến đường này đi qua các nút giao quan trọng của Thủ đô như đường Phạm Hùng, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu. Đây là đoạn đường có lượng phương tiện qua lại dày đặc, nhất là vào giờ cao điểm.
Trên công trường dự án, đường mở rộng bên dưới quy mô 6 làn xe đã hoàn thành vào tháng 10/2019; còn đoạn cao tốc trên cao quy mô 4 làn xe có tổng vốn đầu tư 5.340 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 9/2020.
Sau khi hoàn thành, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín vành đai 3 Hà Nội, giúp các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc đi đến phía Nam và ngược lại không phải qua khu vực trung tâm, giảm được thời gian lưu thông và ùn tắc trong nội đô.
Dự án thứ hai dự định vận hành trong năm nay là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dự án này đã thi công xong toàn bộ khối lượng xây dựng với hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.
Theo quy trình, công tác nghiệm thu dự án do phía Việt Nam thực hiện, đơn vị tư vấn độc lập ACT (Pháp) sẽ đánh giá an toàn kỹ thuật; sau đó là thanh toán và bàn giao công trình từ Tổng thầu Trung Quốc cho Bộ Giao thông Vận tải. UBND Hà Nội sẽ tiếp nhận lại toàn bộ dự án để vận hành khai thác.
Chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ này giải quyết các vướng mắc còn lại, sớm đưa dự án vào khai thác vì "người dân đang mong mỏi".
Trước đó, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho hay thủ tục liên quan và tài liệu của các hạng mục dự án giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm không tương đồng, nên công tác nghiệm thu và đánh giá an toàn bị kéo dài.
Mặc dù tàu chưa vận hành chở khách song dự án vẫn duy trì hoạt động nhiều hạng mục, khiến phát sinh chi phí tiền điện 100 triệu đồng/ngày. Ngoài ra còn chi phí trả lương, văn phòng cho toàn bộ nhân sự phía Trung Quốc và Việt Nam đang chờ đợi để vận hành tuyến đường sắt này.
Với chiều dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa, dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa; tần suất khai thác 3 đến 5 phút/chuyến, tốc độ trung bình 35 km/h.
Bình luận