Trong báo cáo Thẩm tra việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đối với dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP. HCM, Chính phủ đề xuất bố trí thêm 29.000 tỷ đồng. Hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị hướng xử lý, trên cơ sở đó, cơ quan quyết định đầu tư có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Theo đó, dự án Bến Thành - Suối Tiên đội vốn từ 17.388 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng, dự án đường sắt đô thị Hà Nội đội vốn từ 19.555 tỉ lên 35.679 tỉ đồng sẽ phải báo cáo để Bộ Chính trị cho ý kiến.
Cũng trong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải công bố tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung Ương giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 60.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Đa số ý kiến cho rằng, việc bố trí vốn để triển khai các dự án ODA đã được ký kết là cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên nếu bổ sung 60.000 tỷ đồng sẽ vượt mức trần 2.000.000 tỷ đồng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung kế hoạch vốn không quá 60.000 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn ODA trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu giữa nguồn vốn ODA và vay trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi không vượt hạn mức 2.000.000 tỷ đồng nhưng đúng thời hạn “tốt nghiệp ODA” để đảm bảo có lãi suất hợp lý nhất, giữ chỉ tiêu an toàn nợ công và bội chi.
Chính phủ đề nghị chuyển từ vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp của một số dự án. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, theo quy định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội thì không được phép chuyển thành vốn cấp phát. Tuy nhiên các Nghị quyết này được ban hành trước thời điểm những dự án này phát sinh. Do đó, đề nghị sau khi có kết luận của Bộ Chính trị thì tiếp tục xử lý.
Bình luận