• Zalo

Hải chiến Biển Đông với Trung Quốc thế kỷ 13: Vị tướng xuất thần

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 02/07/2014 06:15:00 +07:00Google News

(VTC News) – Hải chiến Vân Đồn đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng, một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất của lịch sử quân sự thế giới.

(VTC News) – Hải chiến Vân Đồn đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng, một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất của lịch sử quân sự thế giới.

Kỳ 2: Vị tướng trấn ải vùng đông bắc

Ở đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), ngoài ngôi đình, ngôi đền cổ, còn có một di tích lớn, đó là đền thờ Trần Khánh Dư. Ngôi đền mới được dựng lại khang trang giữa cánh đồng để tưởng nhớ danh tướng tuấn kiệt, người đóng góp rất lớn cho ba lần chiến thắng quân Nguyên, đặc biệt là sự xuất thần của ông trong cuộc chiến lần thứ ba.

Nhân huệ vương Trần Khánh Dư là con trai Thượng tướng Trần Phó Duyệt, là dòng dõi của nhà Trần.

Ông trực tiếp cầm quân tham gia cả ba lần chống quân Nguyên xâm lược và lập nhiều chiến công, nên được nắm giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều đình, như Phó đô tướng quân, Phiêu kỵ đại tướng quân, Trật hầu, Tử phục thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ…

Đền thờ Trần Khánh Dư ở đảo Quan Lạn 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, năm 1287, ông được vua Trần tin tưởng nên giao cho nhiệm vụ rất quan trọng, là bảo vệ vùng Đông Bắc Tổ quốc. Ông có toàn quyền quyết định mọi vấn đề an ninh ở khu vực Vân Đồn cổ, chính là vùng đảo Quan Lạn bây giờ.

Thời Trần, vùng biển Vân Đồn là một thương cảng cực kỳ sầm uất. Đây không chỉ là vị trí trọng yếu về chính trị, chiến lược, mà còn là cảng biển giao thương toàn vùng châu Á.

Để tiến hành xâm lược nước ta, quân Nguyên đã chuẩn bị nhiều năm trời. Chúng sai rất nhiều nội gián tìm sang, đóng giả thương nhân để do thám tình tình. Biết được điều đó Trần Khánh Dư đưa ra mệnh lệnh bắt buộc người dân ở Vân Đồn phải đội nón Ma Lôi, để phân biệt với nội gián.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng. Lệnh vừa ra, sai ngầm báo người dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu. Do đấy, người trong trang tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải, số vải thu được đến hàng nghìn tấm”.

Thương cảng Vân Đồn ngoài đảo Quan Lạn thời Pháp 

Sách chép, nội gián của nhà Nguyên vào nước ta đông đến nỗi bán hết cả thuyền nón. Trần Khánh Dư biết tâm địa của bọn chúng, nên lợi dụng để khai thác thông tin.

Đại Việt sử ký toàn thư chép tiếp: “Ngày 30-12-1287, thái tử Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi họp 30 vạn quân đánh Vạn Kiếp rồi thuận dòng xuôi về đông.

Cùng thời điểm đó, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi gồm 650 chiến thuyền đánh vào Vân Đồn. Trần Khánh Dư chỉ có 100 chiến thuyền nên không chống đỡ nổi địch, thất bại nhanh chóng. Tin đến tai triều đình, vua Trần sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn".

Vua Trần thấy được sự tự tin của Trần Khánh Dư, nên đã đồng ý cho Trần Khánh Dư lập công chuộc tội. Vì lợi dụng được bọn nội gián, nên ông biết được con đường tải lương của giặc. Ông lập tức thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều...”.

Tượng Trần Khánh Dư trong đền 

Trong khi đó Khâm Định Việt sử thông giám Cương Mục chép: “Khánh Dư đoán chắc thuyền của giặc đã đi qua rồi, thì thuyền tải lương tất đi theo sau, liền thu thập tàn quân, sẵn sàng chờ đợi. Một lát sau, quả nhiên thuyền tải lương của Văn Hổ đến, Khánh Dư đón đánh, quân Nguyên bị thua to.

Khi đi đến biển Lục Thủy Dương (nước biển vịnh Bắc Bộ màu xanh thẫm, nên người Tàu gọi như vậy), thuyền của quân Nguyên bị mắc cạn, sa lầy, không chở đi được, lương thực chìm cả xuống biển. Khánh Dư bắt được khí giới, quân nhu rất nhiều. Văn Hổ chỉ thoát được một mình, vội vàng chạy về Quỳnh Châu...”.


Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết khá kỹ: “Ô Mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân Đồn gặp quân của Trần Khánh Dư chặn đường không cho đi. Ô Mã Nhi thúc quân đánh rát một trận, quân Khánh Dư thua bỏ chạy cả. Quân Nguyên kéo thẳng ra bể đi đón thuyền lương...

Được mấy hôm Ô Mã Nhi ra bể gặp thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại đem quân trở vào đi trước dẹp đường, Trương Văn Hổ đem thuyền lương theo vào sau... Trương Văn Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục Thủy Dương. Khánh Dư đổ quân ra đánh, Văn Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều...”.

Vùng biển Quan Lạn, nơi diễn ra trận hải chiến năm 1288 

Trận hải chiến trên Vịnh Bắc Bộ tiêu diệt nhiều giặc, phá hủy và cướp toàn bộ đoàn thuyền lương, binh khí của quân Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã đánh giá về Trần Khánh Dư như sau:

“Ba đường tiến quân bằng thuỷ bộ của giặc Nguyên đều trông vào thuyền lương vận tải đường biển... Chẳng có ngờ đâu số lương 17 vạn thạch (theo truyền thuyết ở Quan Lạn thì có tới 70 vạn thạch) đã chìm hết ở Vân Đồn và Văn Hổ cũng đã chuồn từ lâu rồi. Đi đón đã lâu rốt cuộc lương không đến.

Vì thế ba quân đói khát, lương thực đã không có, đồng nội cũng không cướp được gì. Tướng sĩ đều mang lòng căm phẫn. Ép họ chiến đấu thì họ trả lời: “Ốm đau không chiến đấu được”. Dụ họ ở lại thì họ trả lời: “Lương hết không thể ở lại được”.

Họ đã quyết kế về thì không cần ta phải đuổi, tin thắng ở Bạch Đằng chỉ làm tăng thêm binh uy mà thôi…”. Còn Thượng hoàng Trần Thánh Tông thì nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?”.


Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của Trần Khánh Dư, người dân địa phương đã tôn ông làm Thành hoàng và thờ tự tại đình Quan Lạn. Hàng năm, người dân trong vùng tổ chức lễ hội Quan Lạn vào trung tuần tháng 6 âm lịch để tưởng nhớ công lao của ông, cùng các tướng sĩ đã làm nên trận hải chiến oanh liệt.

Nhà sử học Đặng Hùng nhận xét rằng, nếu không có chiến thắng trong trận hải chiến trên vịnh Vân Đồn, chắc không có cuộc rút lui của giặc Nguyên, dẫn giặc đến trận đại bại trên sông Bạch Đằng tháng 4-1288, một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất của lịch sử quân sự thế giới.
Theo tư liệu khoa học của sách Di tích lịch sử - văn hoá Vân Đồn, do Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh và Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2010, thì đội quân thủy chiến mang tên Bình Hải của Trần Khánh Dư có 30 đô, biên chế mỗi đô 80 người lính, toàn quân có 30 chiến thuyền, mỗi thuyền có 30 lính chèo thuyền. Như vậy, có thể tính ra, toàn bộ đạo quân thủy chiến của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư có khoảng 3.300 người. So với số dân lúc bấy giờ, số quân đó đủ mạnh để bảo vệ cả một vùng biển đảo rộng lớn của vùng Đông Bắc.


Dương Phạm
Bình luận
vtcnews.vn