"Quân thua trảm tướng" là quy luật bất di bất dịch. HAGL là đội thứ hai thay HLV mùa này (sau Becamex Bình Dương), nhưng đội bóng phố núi là đội đầu tiên chia tay "thuyền trưởng" vì lý do thành tích. HLV Dương Minh Ninh từ chức sau thảm bại 0-3 của HAGL trên sân Quảng Nam - đội chưa thắng trận nào ở V-League trước đó. HAGL đã thua 4/6 vòng, nên việc HLV Dương Minh Ninh rời ghế là chuyện sớm muộn.
Mùa giải còn 20 vòng, HAGL cũng đang kém nhóm 4 đội dẫn đầu 4 điểm, chưa bằng 2 trận thắng. Tuấn Anh cùng các đồng đội vẫn có thể hướng đến ngôi cao V-League. Tuy nhiên, khoảng cách từ chỗ đứng hiện tại của HAGL đến nhóm đầu V-League không ngắn như con số 4 điểm trên lý thuyết.
Video: Quảng Nam 3-0 HAGL
Lỗi của HLV Dương Minh Ninh là gì?
HLV Minh Ninh nhận lỗi sau thất bại trước Quảng Nam. Quyết định từ chức của chiến lược gia này, dù theo nhiều ý kiến là quá muộn, cũng khẳng định trách nhiệm tuyệt đối của người đứng đầu về mặt chuyên môn.
Mùa giải trước, đội chủ sân Pleiku xếp thứ 11, thua 11 trận (chỉ ít hơn 3 đội đứng cuối), thủng lưới nhiều nhất V-League. 6 vòng đầu mùa này, HAGL vẫn... đứng thứ 11, thủng lưới nhiều thứ hai giải. Thậm chí, tỉ lệ thua của đội bóng do ông Ninh dẫn dắt còn tăng từ 42,3% lên 66,7%. CLB phố núi về cơ bản không tiến bộ.
Trên ghế chỉ đạo, HLV Minh Ninh không thể hiện được dấu ấn chiến thuật. HAGL trình diễn lối đá nhợt nhạt, thiếu sức sống. Cả hai trận thắng mùa này đều là nỗ lực đơn lẻ của Văn Toàn, Minh Vương, Chevaughan Walsh hơn là đẳng cấp cầm quân của ông Ninh. Bầu Đức từng nói "HAGL xuống hạng cũng được", nhưng ai cũng hiểu ông bầu của HAGL "thòng" thêm điều kiện đội bóng phải đá đẹp. HAGL hôm nay vừa thua nhiều, vừa đá không đẹp.
Dù vậy, mọi đầu bếp muốn nấu ngon đều cần có nguyên liệu tốt. HLV Chu Đình Nghiêm giúp Hà Nội FC vô địch nhờ bộ khung tuyển thủ quốc gia kết hợp với ngoại binh "hàng hiệu". HLV Park Hang Seo thành công vang dội nhờ lứa U23 Việt Nam giàu kinh nghiệm cùng một vài nhân tố nổi trội từng đá U20 World Cup. Không thể phủ nhận dấu ấn của HLV trưởng, song phải "có bột mới gột nên hồ".
Thứ bột mà ông Ninh có ở HAGL là gì? Một đội hình thay toàn bộ từ năm 2015 khi bầu Đức dọn chỗ để lứa trẻ lên đá V-League. Dưới thời HLV Guillaume Graechen, HAGL đứng chót bảng, thua 14/26 trận, sớm phải "thay tướng giữa dòng". Mùa giải sau đó, HLV Nguyễn Quốc Tuấn giúp đội có nhiều hơn 6 điểm, song cũng chỉ đứng cao hơn 1 bậc (xếp thứ 12). Nghĩa là về thành tích, HAGL của HLV Minh Ninh không tệ hơn những người tiền nhiệm.
Lứa cầu thủ hiện tại của HAGL cũng không cho thấy tiềm năng rõ ràng. Ngoại trừ Văn Toàn, Hồng Duy, Minh Vương được triệu tập lên tuyển (không được đá chính), Tuấn Anh từng đá nhiều đội trẻ hay Việt Hưng lần đầu lên U23, đội bóng phố núi không còn gương mặt nổi trội nào. Số lượng cầu thủ HAGL được gọi lên các cấp độ đội tuyển ít dần qua từng năm.
Thẳng thắn mà nói, lực lượng HAGL hiện tại không hơn mặt bằng V-League, song kinh nghiệm và độ tinh quái lại kém hơn hẳn. Từ "nhà sư phạm" Graechen đến những HLV hiểu đội như Quốc Tuấn, Minh Ninh hay chuyên gia Chung Hae Seong, HAGL đã tìm những người được cho là am tường nhất. Đội bóng vẫn thất bại, vậy đó có hoàn toàn là lỗi của HLV?
Lực bất tòng tâm
HAGL không còn mang trách nhiệm thể hiện bộ mặt bóng đá Việt Nam, bởi Hà Nội FC giờ mới là đội có trụ cột là tuyển thủ quốc gia. Trên phương diện đào tạo trẻ, những tài năng được quảng bá là "giỏi hơn Công Phượng, Xuân Trường" vẫn chưa thể hiện được nhiều. HAGL đang vướng phải khoảng trống thế hệ, dẫu lứa trước cũng không phải quá xuất sắc.
Khó khăn lực lượng và tài chính khiến HAGL phải chiêu mộ nhiều cái tên trung bình khá như Văn Hạnh, Trọng Sáng, Tăng Tiến, Hoàng Lâm, Anh Tài hay Kim Bong Jin, Walsh. Với cấu trúc đội hình bất ổn, đội bóng của bầu Đức loay hoay xây dựng lối chơi để không đi chệch quỹ đạo. 6 vòng đầu, không khó để thấy HAGL đã phần nào từ bỏ việc phải "đá hay", "đá đẹp". Đội bóng phố núi sẵn sàng hy sinh tư tưởng để đổi thành tích, nhưng mọi thứ dường như đã muộn.
Không phải ngẫu nhiên HLV Chung Hae Seong đang thành công ở CLB TPHCM. Nhìn cách đội bóng này chơi chắc chắn và đứng đầu bảng với sự thực dụng được đẩy đến mức cực đại, người ta hiểu được tại sao ông Chung chia tay HAGL vì bất đồng ý tưởng chỉ sau 1 mùa làm việc. Ở CLB TPHCM, HLV Chung Hae Seong không có lực lượng xuất chúng, nhưng ông được toàn quyền quyết định chuyên môn và xây dựng đội bóng của mình, khác với việc cố "gồng" HAGL vào khuôn mẫu vô lý mà các cầu thủ không thể đáp ứng ngay từ đầu.
Cách tạo dựng lối chơi của ông Chung cũng giống HLV Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam, đề cao sự chắc chắn, kỷ luật và chính xác. Bóng đá đẹp hay xấu là tuỳ quan điểm, chỉ có kết quả là bất biến. Chiến thắng hay danh hiệu là khởi nguồn cho tất cả.
Trong hội thảo "Để bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia", chuyên gia Vũ Mạnh Hải từng nói "bóng đá Việt Nam phải chiến thắng mới mang khán giả trở lại". Không chiến thắng, không có gì cả.
Dường như bầu Đức và HAGL đã đánh giá thấp tầm quan trọng của chiến thắng tại V-League. HAGL hôm nay chỉ còn "sống mòn" trên vầng hào quang của 4 năm trước. Những Văn Toàn, Minh Vương, Tuấn Anh cứ già đi, thứ "bóng đá đẹp" cũng không còn đủ hấp dẫn, với minh chứng là lượng khán giả ở Pleiku vơi đi từng ngày. Chưa đến 2/3 khán đài được lấp đầy trong 3 trận sân nhà đầu tiên của HAGL.
GĐKT Lee Tae Hoon được bổ nhiệm lên ghế "lái trưởng", nhưng khi người đồng nghiệp Chung Hae Seong còn bất lực ở phố núi, không dễ để ông Lee làm tốt hơn. HAGL đẩy lùi mục tiêu vô địch từ năm 2019, 2020 đến 2022, song lại không có căn cơ, nền tảng cụ thể cùng một chiến lược cho thấy họ xứng đáng với tham vọng đó.
Ngoại trừ bầu Đức, ai cũng thấy vô địch V-League là... rất khó. Ngay cả một vị trí "chơi vơi" giữa bảng xếp hạng cũng đã là nỗ lực rất lớn của HAGL lúc này.
Bình luận