Trong phát biểu đưa ra vào chiều 18/3 (giờ địa phương) trước các nghị sĩ Anh, Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow cho biết, dựa trên các tiền lệ trước đây trong lịch sử Nghị viện Anh, ông quyết định không cho phép diễn ra phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May yêu cầu thực hiện trước ngày 20/3. Lí do là vì thoả thuận đó không có gì khác biệt về thực chất so với thoả thuận đã hai lần bị Hạ viện Anh bác bỏ.
“Kết luận của tôi là: nếu như chính phủ mong muốn đem ra bỏ phiếu một thoả thuận không giống, hoặc về bản chất là không giống với thoả thuận đã trình lên Hạ viện vào ngày 12/3, thì việc đó có thể được thực hiện. Nhưng về luật thì chính phủ không được phép đệ trình để bỏ phiếu lại một thoả thuận về cơ bản là giống hệt với thoả thuận đã bị bác bỏ tuần trước với số phiếu chênh lệch 149 phiếu”.
Sau tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Anh, Chính phủ Anh cho biết sẽ cân nhắc để đưa ra phản ứng chính thức nhưng nhiều thành viên chính phủ Anh thừa nhận, thoả thuận mà bà Theresa May dự định đưa ra bỏ phiếu lần thứ 3 vẫn là thoả thuận cũ vì trên thực tế, chính phủ Anh và EU đã chấm dứt các cuộc đàm phán từ cách đây gần 2 tuần.
Giới phân tích đánh giá, quyết định của Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow phản ánh việc vẫn còn nhiều nghị sĩ Anh muốn bác bỏ thoả thuận của bà Theresa May và tìm kiếm một thoả thuận Brexit mềm dẻo hơn với EU.
Tuy nhiên, sự kiện này lại đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp nặng nề và bế tắc bởi chính Hạ viện Anh vào ngày 15/3 tuần trước đã bỏ phiếu lựa chọn kịch bản “Brexit cứng” chứ không phải là “Brexit mềm”. Ngoài ra, việc không tổ chức phiên bỏ phiếu lần 3 về Brexit cũng đẩy chính phủ Anh vào thế mất phương hướng, không thể đưa ra yêu cầu chính xác với phía EU về các bước đi tiếp theo của tiến trình Brexit.
Trong lúc này, các nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết, trước cuộc khủng hoảng toàn diện trong nội bộ chính trường Anh, Liên minh châu Âu có thể sẽ chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về Brexit trong cuộc họp Thượng đỉnh của khối khai mạc cuối tuần này tại Brussels.
Ngày 14/3 Hạ viện Anh chấp nhận tạm lùi thời hạn thực thi Brexit đến 30/6 cũng như sẽ tiếp tục bỏ phiếu lần thứ 3 về thoả thuận với EU.
Ngay trong tối 14/3, các lãnh đạo cấp cao của EU đã tuyên bố việc nước Anh xin tạm hoãn thời điểm thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019 phải được 27 nước thành viên EU đồng thuận thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 22-23/3 tới tại Brussels. Và để đề nghị này được thông qua, nước Anh cần mang đến một “thay đổi cụ thể”, tức là phải phê chuẩn thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh và EU đã đạt được cuối năm 2018.
Như vậy, việc Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thoả thuận này, việc tạm hoãn Brexit sẽ kéo dài vô hạn định và khi đó tất cả các bên đều rơi vào tình huống hoàn toàn bất định và phương án Brexit không thoả thuận lại có hiệu lực, bất chấp việc Hạ viện vào ngày 13/3 đã bỏ phiếu bác bỏ mọi kịch bản “Brexit không thoả thuận” tại mọi thời điểm trong tương lai.
Bình luận