Tiếp tục với những diễn biến khó lường về Brexit, trong ngày 14/3, các nghị sĩ Anh đã thực hiện 3 cuộc bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu đầu tiên là về việc liệu Hạ viện Anh có tiếp tục giữ phương án tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit hay không? Kết quả, với đa số phiếu áp đảo, 334 phiếu chống so với 85 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ kịch bản có thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit.
Phiên bỏ phiếu thứ hai liên quan đến việc lựa chọn Anh có dứt khoát ra khỏi Liên minh châu Âu hay không và với số phiếu sít sao, 314 phiếu thuận so với 312 phiếu chống, đa số nghị sĩ Anh đã lựa chọn phương án chia tay dứt khoát với Liên minh châu Âu. Đây được xem là một thắng lợi đối với nữ Thủ tướng Anh, Theresa May.
Phiên bỏ phiếu thứ ba và cũng quan trọng nhất liên quan đến việc liệu nước Anh có đề nghị tạm lùi thời hạn thực thi Brexit hay không. Kết quả, với 412 phiếu thuận so với 202 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã đồng ý phương án lùi thời hạn Brexit đến ngày 30/6/2019 thay vì cột mốc 29/3/2019 như trước kia.
Tuy nhiên, để có thể lùi thời hạn thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019, các nghị sĩ Anh cũng đã phải đồng ý với điều kiện do Thủ tướng Theresa May đưa ra là từ nay cho đến ngày 20/3/2019 phải có một phiên bỏ phiếu lần thứ 3 về thoả thuận Brexit mà chính phủ của bà May đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018 và đã hai lần bị chính Hạ viện Anh bác bỏ, trong đó lần mới nhất là vào ngày 12/3.
Việc Hạ viện Anh đồng ý thực hiện phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit là một thắng lợi quan trọng đối với bà May bởi giới phân tích đánh giá, khác với hai lần bỏ phiếu thất bại trước, hiện tại bà May đang bắt đầu tập hợp được các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, sự phức tạp không chỉ dừng lại bên phía Anh. Ngay trong tối ngày 14/3, các lãnh đạo cấp cao của EU đã tuyên bố việc nước Anh xin tạm hoãn thời điểm thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019 phải được 27 nước thành viên EU đồng thuận thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 22-23/3 tới tại Brussels. Và để đề nghị này được thông qua, nước Anh cần mang đến một “thay đổi cụ thể”, tức là phải phê chuẩn thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh và EU đã đạt được cuối năm 2018.
Trong trường hợp Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thoả thuận này, việc tạm hoãn Brexit sẽ kéo dài vô hạn định và khi đó tất cả các bên đều rơi vào tình huống hoàn toàn bất định và phương án Brexit không thoả thuận lại có hiệu lực, bất chấp việc Hạ viện vào ngày 13/3 đã bỏ phiếu bác bỏ mọi kịch bản “Brexit không thoả thuận” tại mọi thời điểm trong tương lai.
Bình luận