Tàu nghiên cứu và đào tạo hải dương học lớn nhất Trung Quốc, Trung Sơn Đại Học, được đặt theo tên của nhà phát triển là Đại học Tôn Trung Sơn, đã được đưa vào hoạt động tại Thượng Hải hôm thứ Sáu (28/8).
Con tàu khởi hành từ Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, theo Luo Jun, chủ tịch Đại học Tôn Trung Sơn. Tàu có chiều dài 114,3 m và rộng 19,4 m, tốc độ thử nghiệm tối đa là 16 hải lý/giờ, có thể tạo điều kiện cho các chuyến thám hiểm kéo dài 60 ngày và chở theo 100 thành viên thủy thủ đoàn.
Thiết kế trưởng Wu Gang cho biết tàu nghiên cứu này có trọng lượng rẽ nước lớn nhất, năng lực khoa học toàn diện mạnh nhất và thiết kế sáng tạo nhất ở Trung Quốc. Ông này cho biết nó có thể được mô tả là "một phòng thí nghiệm di động lớn trên biển".
Theo kỹ sư trưởng Zhang Wenlong, ngoài một phòng thí nghiệm tĩnh rộng 760 mét vuông, khoang hành khách của tàu có thể chở hơn 10 phòng thí nghiệm container di động.
Tàu này còn có sân đáp cho máy bay trực thăng và máy bay không người lái.
Trung Quốc luôn tuyên bố triển khai tàu khảo sát tới các vùng biển với mục đích nghiên cứu khoa học, song giới quan sát không khỏi đặt dấu hỏi về mục đích thực sự của hoạt động này khi chúng thường xuyên gây căng thẳng trong khu vực.
Bình luận