• Zalo

Hà Nội thí điểm bỏ HĐND tại 177 phường

Thời sựThứ Tư, 27/11/2019 14:45:00 +07:00Google News

Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được thông qua chiều nay với tỷ lệ 81,16% đại biểu tán thành.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tên gọi ban đầu của dự thảo Nghị quyết là thí điểm không tổ chức HĐND phường chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hơn nữa, nội dung thí điểm không chỉ tổ chức lại chính quyền địa phương ở phường mà còn liên quan đến việc điều chỉnh địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã và nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố.

 Tên gọi trên cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc "bỏ HĐND phường". Do đó, để phù hợp với nội dung, tính chất của việc thí điểm này, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”

Nội dung Nghị quyết nêu rõ, Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Riêng chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND. Điều đó đồng nghĩa với việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

hoi-dong

 Hà Nội sẽ bỏ HĐND tại 177 phường trên địa bàn.

Theo đề án thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội, thành phố sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 1/6/2021.

Tại những nơi thí điểm, ủy ban nhân dân quận, thị xã sẽ được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, việc tiếp tục duy trì hội đồng nhân dân ở phường là không còn phù hợp, mà chỉ nên còn ủy ban nhân dân phường để quản lý hành chính, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền.

Khu vực đô thị sẽ chỉ có hai cấp chính quyền là thành phố và quận; các phường thuộc quận và thị xã Sơn Tây chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Khu vực nông thôn vẫn giữ mô hình ba cấp chính quyền (thành phố; huyện, thị xã và xã, thị trấn).

Các phường thí điểm không tổ chức HĐND sẽ chỉ có Ủy ban hành chính gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, công an. Thành viên Ủy ban hành chính do chủ tịch quận, thị xã bổ nhiệm và bãi nhiệm.

Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề này vào ngày 14/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

hoang-trung-hai

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, mô hình thí điểm này giúp bộ máy chính quyền gọn nhẹ, thông suốt; giải quyết nhanh vấn đề cấp bách; trách nhiệm của lãnh đạo phường được xác định rõ ràng; tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cũng ủng hộ đề án trên. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị cần thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường cả ở TP.HCM vì đây là đô thị lớn, đại diện cho phía Nam.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn